Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển hạ tầng số tỉnh Phú Thọ đến năm 2025; đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông xây dựng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Việc phát triển hạ tầng số đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc từng bước xây dựng NTM thông minh trên địa bàn tỉnh. Qua đó xây dựng và phát triển hạ tầng số tỉnh Phú Thọ đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng các ngành, lĩnh vực góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Tính đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh đã có 100% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xã NTM. 100% các điểm bưu điện văn hóa xã được trang bị máy tính kết nối Internetet để phục vụ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 81,2%; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 75%.
Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của các xã xây dựng NTM đạt 50% và xã NTM nâng cao đạt 65%. 100% cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin. 82% người dân trong độ tuổi lao động được phổ biến kiến thức về sử dụng máy tính và kỹ năng số cơ bản (thông qua các khóa hướng dẫn của tổ công nghệ số cộng đồng). 100% nhà văn hóa khu dân cư ở các xã xây dựng NTM nâng cao đều được lắp đặt wifi miễn phí.
Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật về thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM trên các phương tiện thông tin truyền thông; đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, phát huy vai trò trung tâm của người dân tham gia thực hiện chuyển đổi số phục vụ xây dựng NTM.
Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng; 2.356 Tổ công nghệ số cộng đồng với 7.454 thành viên được phổ cập trực tuyến kiến thức, kỹ năng số theo chương trình phối hợp giữa Sở Thông tin và Truyền thông và Cục Chuyển đổi số; 509 cán bộ lãnh đạo UBND cấp xã được đào tạo trực tuyến khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số thông qua nền tảng học trực tuyến tại địa chỉ: https://onetouch.edu.vn.
Bên cạnh đó, triển khai các ứng dụng thanh toán trực tuyến; phối hợp, hỗ trợ các nhà cung cấp, nhà sản xuất, các hợp tác xã, làng nghề, trang trại giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử (Giaothương.net.vn; nongsan.phutho.gov.vn, Postmart-VNPost, Viettelpost; Cổng truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của tỉnh, mạng Internet, các ứng dụng livestream bán hàng trực tuyến...) đối với các sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP từ hạng 3 sao trở lên. Qua đó, giúp các hộ nông dân, hợp tác xã đưa ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, sản lượng và đẩy mạnh tiếp thị các sản phẩm, hàng hóa nông sản ra thị trường…