Nghị quyết cũng đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân tích cực tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các mô hình thực hiện thành công ở nhiều địa phương thể hiện sinh động việc đưa nghị quyết vào đời sống, phát huy hiệu quả tinh thần đoàn kết, thực hiện các mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Nâng cao thu nhập từ... cỏ dại
Xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm - nơi có Di tích Lịch sử quốc gia miếu Bà Chúa Xứ Mỹ Đông là địa điểm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng đang trong hành trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, xứng đáng với truyền thống vùng quê cách mạng. Xây dựng nông thôn mới nâng cao với mục đích đời sống người dân được nâng lên từ các mô mình sản xuất hiệu quả, Mỹ Quới đặc biệt quan tâm tạo điều kiện để bà con phát triển, mở rộng ngành nghề nông thôn bên cạnh trồng lúa, trồng màu từ nhiều năm qua.
Hai tay thoăn thoắt kết đôi quai lên chiếc giỏ xách đan từ cỏ năn tượng - sản phẩm nhận làm gia công cho Hợp tác xã MCF Mỹ Quới đóng trên địa bàn xã, bà Trần Thị Tươi và bà Nguyễn Thị Vẹn cùng ở ấp Mỹ Tây A, xã Mỹ Quới chia sẻ, xã nông thôn mới đã đổi thay nhiều, giờ đang tiến lên nông thôn mới nâng cao càng có những nét mới. Những con đường mới mở ra, không phải đi lại bằng xuồng, ghe qua các con kênh như trước đây. Nhiều phụ nữ trong xã có nghề đan đồ thủ công mỹ nghệ từ cây cỏ năn tượng, làm hàng gia công cho Hợp tác xã để chuyển cho một công ty chuyên xuất khẩu hàng ra nước ngoài. Trung bình mỗi người thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Trong ấp, nhiều chị em được hướng dẫn, biết đan hoặc thực hiện các công đoạn hoàn thiện sản phẩm như, làm hoa văn, đan quai, có thể cùng ngồi làm rất vui vẻ, vừa gắn kết tình làng nghĩa xóm vừa có thêm thu nhập.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Quới Phan Lùng Pha, triển khai xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và tổ chức, đoàn thể thành viên xác định phát huy nội lực, để đời sống người dân ngày càng khá hơn. Phát triển kinh tế tập thể được Mỹ Quới xem là một trong các giải pháp. Xã tạo thuận lợi, hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; trong đó có Hợp tác xã MCF Mỹ Quới chuyên sản xuất và xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ các loại cây tự nhiên có sẵn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ có hợp tác xã, hàng trăm lao động, nhất là lao động nữ ở địa phương có nguồn thu nhập ổn định, không phải đi làm ăn xa.
Đại diện Hợp tác xã MCF Mỹ Quới, chị Lê Thị Hồng Lan cho biết, Hợp tác xã chuyên sản xuất mặt hàng thủ công được đan từ cỏ năn tượng, loại cây cỏ bản địa địa phương và vùng lợ mặn của Đồng bằng sông Cửu Long, thân thiện môi trường. Hợp tác xã nhập nguyên liệu từ các tỉnh trong vùng Tây Nam Bộ mang về phơi khô, sau đó hướng dẫn và giao cho nhiều lao động trong xã mang về đan hoặc đảm nhận khâu hoàn thiện sản phẩm. Hiện mỗi tháng, thông qua một công ty, Hợp tác xã xuất khẩu khoảng 8.000 sản phẩm các loại sang Hoa Kỳ, Canada, Australia, tạo việc làm cho khoảng 400 lao động địa phương.
Vườn chanh không hạt cho “trái ngọt”
Xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang sớm về đích nông thôn mới nâng cao vào đầu năm 2023. Có được kết quả này, từ đặc điểm của xã thuần nông, Đảng ủy xã sớm xây dựng Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xác định là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Xã tập trung nâng cao thu nhập cho người dân trên cơ sở phát triển sản xuất, tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; hình thành chuỗi sản xuất với giá trị tăng cao; ưu tiên tiến độ thực hiện phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm, phát triển kinh tế nông thôn), sản phẩm chủ lực địa phương. Đến nay, Thạnh Hưng có 3 sản phẩm OCOP gồm bánh tráng Mạnh Tài, chanh không hạt và rượu đế Hoa Hải Đường. Thu nhập bình quân người dân trong xã đạt trên 64,5 triệu đồng/người/ năm.
Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Hưng Mã Văn Vô, quan tâm phát triển sản xuất, ấp Phạm Đình Nông, nơi có mô hình chanh không hạt hiệu quả là một trong ba ấp được Đảng ủy xã chọn làm điểm thực hiện mô hình ấp nông thôn mới kiểu mẫu. Chi bộ ấp Phạm Đình Nông trực tiếp nắm bắt tình hình, chỉ đạo các đoàn thể như Chi hội Phụ nữ, Chi hội Cựu chiến binh hỗ trợ, tạo điều kiện để chủ vườn được vay thêm vốn, phát triển sản xuất bền vững.
Bên vườn chanh trĩu quả, bà Nguyễn Thị Quyến, chủ vườn chanh với tổng diện tích khoảng 5.200m2 vui vẻ cho biết, sản phẩm chanh không hạt của Thạnh Hưng được gắn sao OCOP. Vườn chanh với trên 300 gốc của gia đình bà Quyến cho thu hoạch quanh năm. Ngày nhiều nhất có thể hái tới 100kg chanh tươi. Giá chanh thời điểm thấp nhất là 5.000 đồng/kg, cao nhất 20.000 đồng/kg luôn đảm bảo người trồng có lãi. Bình quân mỗi năm từ vườn chanh, gia đình bà Quyến thu trên 180 triệu đồng.
Được xã quan tâm, bà Quyến đã hai lần được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ Hỗ trợ Nông dân để mở rộng sản xuất. Từ vườn chanh của gia đình, giờ đây, ấp Phạm Đình Nông có Tổ làm vườn do chính bà Quyến - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh của ấp làm Tổ trưởng. Tổ gồm 13 thành viên, hỗ trợ nhau kỹ thuật sản xuất, thị trường tiêu thụ, góp phần đảm bảo thu nhập cho người dân ở một vùng quê thuần nông./.
Bài 3: Gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa