Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ ra nhiều “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ, điều này không chỉ đến từ các chủ thể thực hiện mà cả các cơ chế chính sách để các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của của Cà Mau có thể vươn tầm chinh phục thị trường.
Bài 1: Thời cơ, thách thức đan xen
Với điều kiện tự nhiên phong phú, Cà Mau được đánh giá có nhiều tiềm năng trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp để hình thành các sản phẩm OCOP. Do đó, kể từ khi chương trình OCOP được triển khai đã và đang tạo ra một cú huých mạnh mẽ, nhiều triển vọng cho các thành phần kinh tế nông thôn, tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều khó khăn mang tính căn cơ cần tháo gỡ để sản phẩm nông nghiệp của địa phương đủ sự tiếp cận với thị trường.
Nhiều triển vọng khả quan
Năm 2021, dù ảnh hưởng từ dịch COVID -19 nhưng sản phẩm được công nhận vẫn tăng 33% so với cùng kỳ, qua đó, Cà Mau phát triển được thêm 44 sản phẩm OCOP, nâng tổng số OCOP toàn tỉnh lên 77 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Hiện Cà Mau xếp thứ 27/63 tỉnh, thành trong cả nước và xếp thứ 4/13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều sản phẩm OCOP.
Nhìn lại năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng, chống dịch, phần nào ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, vận động các chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Tuy nhiên với sự chủ động, huyện Cái Nước đã kịp hoàn thành hồ sơ, thủ tục và thông qua Hội đồng đánh giá, xếp hạng cho 12 sản phẩm đặc trưng địa phương. Đến nay, các sản phẩm đã đăng kí đều được công nhận đạt chuẩn 3 sao OCOP.
Ông Nguyễn Hoàng Ân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Chế biến thương mại dịch vụ nuôi thuỷ sản Cái Bát cho biết, khi sản phẩm chả cá phi chưa được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao thì chủ yếu chỉ bán cho khách hàng thân thiết, do đó sức tiêu thụ rất hạn chế. Thông qua sự hỗ trợ tích cực của ngành chuyên môn, hợp tác xã mạnh dạn đăng ký sản phẩm chả cá phi OCOP 3 sao và được chứng nhận năm 2020; gắn với hỗ trợ trưng bày, quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại. Từ đó, sản phẩm chả cá phi được người tiêu dùng trên cả nước biết đến, sức tiêu thụ tăng lên và giá trị sản phẩm được nâng cao. Nhận thấy Chương trình OCOP hết sức thiết thực đối với sản phẩm đặc trưng của địa phương, năm 2021, hợp tác xã đăng ký phát triển thêm 2 sản phẩm OCOP 3 sao, đó là tôm khô và bánh phồng tôm, rất phấn khởi khi các sản phẩm đều được công nhận và đánh giá cao.
Ông Liêu Hoàng Thảo, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ và Chế biến thương mại Minh Thảo, chi nhánh III, chia sẻ: “Sản phẩm chủ lực của công ty vốn là sơ chế các mặt hàng tôm. Nhưng sau thời gian theo dõi các mặt hàng hải sản trên địa bàn tỉnh, nhận thấy tình trạng ngư dân ở các cửa biển đánh bắt được khá nhiều ghẹ có kích thước nhỏ, trọng lượng tương đương con rẹm trong vuông tôm… nhưng chủ yếu bán cho thương lái ngoài tỉnh với giá rất thấp. Từ đó, công ty có ý tưởng chế biến sản phẩm ghẹ biển thành một số mặt hàng thực phẩm phục vụ đời sống và đăng ký phát triển thành sản phẩm OCOP. Mục đích nhằm nâng cao giá trị ghẹ biển, cải thiện đời sống ngư dân tỉnh Cà Mau và tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân địa phương”.
Ông Trần Hoàng Ðạo, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp không có điều kiện gặp gỡ trực tiếp các chủ thể để tư vấn, hướng dẫn các loại hồ sơ, thủ tục để phát triển sản phẩm OCOP… Nhưng ngành chuyên môn đã chủ động kết nối, hỗ trợ trực tuyến thông qua điện thoại và Zalo, từ đó những khó khăn phát sinh đều được kịp thời tháo gỡ.
Theo đánh giá của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau, những sản phẩm được công nhận rất phù hợp với thị hiếu và đáng ứng nhu cầu ngày càng cao hơn của người tiêu dùng. Những sản phẩm này không chỉ thể hiện rõ bản sản và truyền thống của từng địa phương trong tỉnh mà còn bước đầu khơi dậy được tiềm năng, lợi thế về sản vật, nguyên liệu và sự khéo tay của người dân nông thôn Cà Mau.
Bằng nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau, đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của Cà Mau đã được trưng bày và tiêu thụ qua nhiều kênh bán hàng, đưa vào các hệ thống phân phối hiện đại trong và ngoài tỉnh. Phần lớn sản phẩm OCOP tại địa phương đã được kết nối trên sàn giao dịch thương mại điện tử như: madeincamau.com (tỉnh Cà Mau), voso.vn (Viettel), postmart.vn (VNPT) và các kênh khác như Lazada, Amazon, Alibaba, Zalo, Facebook…
Đặc biệt, một số sản phẩm OCOP của tỉnh này còn xuất khẩu được qua các thị trường như: Australia, Canada, Trung Quốc, Singapore… Nhờ đó mà đến nay, khảo sát sơ bộ cho thấy, có hơn 30% sản phẩm OCOP của tỉnh có doanh thu tăng từ 5-8%, giá bán sản phẩm tăng bình quân từ 15-20% và chưa có sản phẩm nào vi phạm về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
Nhận diện những khó khăn
Trong nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch, từ đầu năm đến nay, Cà Mau đã tổ chức hàng loạt các chuỗi sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm OCOP của địa phương với các nhà mua, doanh nghiệp phân phối trong và ngoài tỉnh. Tại các diễn đàn này, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cũng đã chỉ ra, thực tế vẫn còn tồn tại tâm lý coi việc tham gia chương trình OCOP là yêu cầu của địa phương nên chưa thật sự quan tâm đến việc nâng cao năng lực, nâng cấp tổ chức sản xuất nên chưa tích cực tham gia vào hệ thống phân phối để quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường cũng như chưa có sự quan tâm đúng mức đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bảo hộ bao bì, kiểu dáng công nghiệp…
Nhìn nhận vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Quân chia sẻ, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến việc trực tiếp tiếp cận các các chủ thể để hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh nhằm chuẩn hóa sản phẩm, lập hồ sơ dự thi… rất khó để thực hiện. Mặt khác, nguồn lực triển khai thực hiện chương trình còn hạn chế, đa phần là phải lồng ghép, trong khi một số cơ chế hỗ trợ chưa được cụ thể hóa nên gặp khó khăn trong quá trình thực hiện.
“Tuy nhiên thực tế cần phải nhìn nhận sau hơn hai năm thực hiện chương trình là hiện một số địa phương vẫn chưa xác định đúng lợi thế tiềm năng và năng lực của các chủ thể dẫn đến việc đầu năm đăng kí chỉ tiêu khá lớn, nhưng kết quả thực hiện đến cuối năm lại đạt thấp. Đặc biệt vẫn còn phổ biến tình trạng chỉ tập trung hoàn thiện các sản phẩm đã có mà chưa quan tâm đến phát triển các sản phẩm mới theo hướng chế biến sâu, chưa gắn với việc phát triển sản phẩm OCOP với phát triển các làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống. Đồng thời cũng chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng các kế hoạch hỗ trợ chủ thể trong việc nâng hạng sản phẩm…” ông Nguyễn Văn Quân phân tích.
Đối với việc phát triển các sản phẩm mới “triển vọng”, bà Trần Thị Việt Anh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã cây ăn trái sạch Khánh Hưng, ấp Kinh đứng A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời cho biết, khó khăn nhất đối với các chủ thể vẫn là khâu hồ sơ, giấy tờ.
“Thực tế, nhiều ban lãnh đạo của các hợp tác xã, tổ hợp tác đều là những người nghiệp dư, không có trong tay một lực lượng làm hành chính văn phòng cần thiết để đáp ứng được yêu cầu này. Do đó, bên cạnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho các chủ thể tham gia thì phải thay đổi chính sách quản lý, đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính, đặc biệt là ứng dụng công nghệ vào quản lý hồ sơ, giấy tờ”, bà Trần Thị Việt Anh đề xuất.
Cà Mau có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển các sản phẩm OCOP về du lịch, đặc biệt là các sản phẩm về du lịch sinh thái. Tuy nhiên, hiện địa phương vẫn chưa phát triển được sản phẩm trên lĩnh vực này. Theo bà Trần Thị Việt Anh là do thiếu tính liên kết trong phát triển tour, tuyến các điểm du lịch với nhau, vì thế chưa thể tạo ra một “quần thể du lịch” đủ sức thu hút, giữ chân du khách.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đánh giá, trong hơn 2 năm triển khai Chương trình OCOP đã thực sự mang lại hiệu quả khá tốt. Không chỉ các cơ sở sản xuất mà người dân đã và đang tích cực tham gia thực hiện chương trình, từ đó nhiều ý tưởng về các sản phẩm mới được ra đời và phát triển. Không chỉ có vậy, các chủ thể đã chủ động phát huy nội lực, tổ chức lại sản xuất theo hướng mở rộng quy mô, thực hiện liên kết chuỗi giá trị, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, quan tâm đến mẫu mã bao bì, truy xuất nguồn gốc…
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều khó khăn mang tính căn cơ cần tháo gỡ để sản phẩm nông nghiệp của địa phương đủ sự tiếp cận với thị trường; trong đó có thể nhận diện là hầu hết các cán bộ phụ trách ở địa bàn cơ sở chưa nắm đầy đủ, còn lúng túng trong thực hiện; Chưa hình thành được các tổ chức tư vấn cấp tỉnh, cấp huyện. Đồng thời vẫn còn nhiều chủ thể có tiềm năng nhưng chưa nắm rõ nguyên tắc và chu trình thực hiện; chưa nhận thức đầy đủ về những lợi ích khi tham gia chương trình.
Song song đó là yếu tố hàm lượng khoa học công nghệ kết tinh trong nhiều sản phẩm chưa cao, chủ yếu vẫn là sơ chế hoặc chế biến đơn giản nên giá trị sản phẩm còn thấp. Đặc biệt, trong 77 sản phẩm OCOP của tỉnh vẫn chưa có sản phẩm nào đạt 5 sao. Bên cạnh đó, dù giàu tiềm năng về du lịch, nhất là du lịch sinh thái nhưng chưa có sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch cộng đồng được chứng nhận là sản phẩm OCOP…
Bài cuối: Nâng cao lợi thế cạnh tranh