Đáng chú ý, trong báo cáo này, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị duy trì quy hoạch vị trí Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng giai đoạn đến năm 2050 tại huyện Tiên Lãng. Đây và vị trí cách trung tâm Hà Nội khoảng 120 km về phía Đông, hiện có tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng kết nối với Thủ đô Hà Nội.
Theo quyết định của Thủ tướng vào năm 2011 thì vị trí xây dựng sân bay quốc tế Hải Phòng tại huyện Tiên Lãng từng được quy hoạch dự bị cho sân bay quốc tế Nội Bài và Cát Bi.
Gần nhất, hồi đầu tháng 3/2021 vừa qua, UBND TP Hải Phòng cũng đề xuất quy hoạch Tiên Lãng là sân bay thứ hai trong vùng Thủ đô Hà Nội và thay thế cho Cát Bi trong tương lai do sân bay này không thể mở rộng.
Ngoài đề xuất liên quan đến vị trí xây dựng sân bay quốc tế Hải Phòng tại Tiên Lãng, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất giữ nguyên số lượng 28 sân bay trên toàn quốc đến năm 2030 theo như quy hoạch hiện nay không điều chỉnh số lượng và quy mô như đề xuất của nhiều địa phương vừa qua.
Cục Hàng không Việt Nam tính toán, đến năm 2030, các sân bay trên toàn quốc cần đáp ứng được sản lượng 278 triệu hành khách mỗi năm, chiếm 3 - 4% tổng sản lượng hành khách liên tỉnh, tăng trung bình 8,1%/năm; đáp ứng sản lượng hàng hóa 4,1 triệu tấn, tăng 10%/năm.
Đến năm 2050, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất cả nước có 29 cảng hàng không, gồm 14 cảng hàng không quốc tế, 15 cảng hàng không quốc nội. Trong đó sân bay được bổ sung là Cao Bằng.
Đến năm 2030 cả nước sẽ có 14 cảng hàng không quốc tế gồm Nội Bài, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai, Cần Thơ, Phú Quốc, Liên Khương và 14 cảng hàng không quốc nội gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.