Chỉ khi ngăn chặn được nguồn lây thì mới giảm được số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.
Theo ông Cao Tiến Dũng, nguồn lây chính trên địa bàn Đồng Nai vẫn là các "vùng đỏ", những vùng này tỉnh đã phong tỏa chặt. Bên cạnh đó, ở Đồng Nai còn tồn tại nguồn lây COVID-19 từ các bệnh viện, người lái xe tải đường dài, shipper (người giao hàng), người bán hàng.
Thời gian gần đây, nhiều người dân trong tỉnh sau khi đi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện trở về nhà thì mắc COVID-19. Sở Y tế Đồng Nai cần cảnh báo các địa phương về vấn đề này, coi người đi từ các bệnh viện về như người trở về từ "vùng đỏ", yêu cầu họ tự cách ly tại nhà. Ngoài ra, ngành y tế sớm đưa ra quy định phòng, chống dịch đối với những người từ bệnh viện trở về; hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch một cách chi tiết, rõ ràng, tránh nói chung chung.
Đối với nguồn lây từ những người lái xe tải đường dài, người giao hàng (shipper), người bán hàng mang đi, tới đây, cơ quan chức năng Đồng Nai sẽ buộc những đối tượng này sử dụng nón trùm đầu (nón chống dịch). Việc dùng nón chống dịch giúp những người trên giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, trường hợp họ mắc thì khả năng lây nhiễm ra cộng đồng cũng rất thấp.
Ông Cao Tiến Dũng chia sẻ, bên cạnh những nguồn lây nêu trên, tại các địa phương với những đặc thù riêng sẽ còn các nguồn lây khác, tỉnh Đồng Nai yêu cầu chính quyền cơ sở đánh giá, xác định rõ các nguồn lây COVID-19, chỉ khi xác định được nguồn lây thì công tác chống, dịch mới phát huy hiệu quả, ngăn chặn được những người mắc bệnh hoặc có nguy cơ tiếp xúc với cộng đồng.
Theo ông Cao Tiến Dũng, toàn tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng 3,7 triệu dân, trong đó có gần 1 triệu người dưới 17 tuổi. Đến nay, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mới chỉ thực hiện đối với người trên 18 tuổi. Sở Y tế cần xây dựng ngay kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người từ 17 tuổi trở xuống, góp phần bảo vệ an toàn cho trẻ, tiến tới "sống chung" an toàn với COVID-19.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đề nghị Đồng Nai lập chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên Quốc lộ 20, đoạn thuộc huyện Tân Phú và huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng dịch lây lan trong các doanh nghiệp "3 tại chỗ". Về an sinh xã hội, các đơn vị liên quan không chỉ phát cho người dân gạo, rau, trứng mà cần xem xét hỗ trợ người dân thêm thực phẩm có chất đạm.
Đến sáng 20/9, Đồng Nai ghi nhận gần 41.000 ca mắc COVID-19, hiện đây là một trong 3 tỉnh, thành phố có số ca mắc cao nhất ở nước ta.
Ngày 20/9 cũng là ngày đầu tiên Đồng Nai triển khai kế hoạch từng bước mở cửa các hoạt động kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, việc mở cửa chỉ thực hiện tại các "vùng xanh", còn "vùng đỏ" vẫn phong tỏa chặt, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa hoạt động trở lại (ngoại trừ các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ").