Điểm sáng từ những công trình thủy lợi

Nhắc đến Bình Thuận, nhiều người vẫn không quên được ký ức là một trong những vùng đất có khí hậu khắc nghiệt nhất cả nước với thiếu mưa, thừa nắng, đất đai cằn cỗi. Trụ lại nơi đây phần lớn chỉ có những cành xương rồng già nua, xơ xác...

Chú thích ảnh
Hồ chứa nước Cà Giang (huyện Hàm Thuận Bắc) là nơi cấp nước sinh hoạt chính cho thành phố Phan Thiết và phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp.

Sau 30 năm tái lập tỉnh (1992-2022), Đảng bộ và nhân dân Bình Thuận đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống cách mạng, khai thác tiềm năng và lợi thế để xây dựng tỉnh nhà đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Giờ đây những hình ảnh “cằn cỗi” đó không còn nữa, thay vào đó là màu xanh ngút ngàn của cây trái, của lúa... Những công trình thủy lợi đúng hướng đã mang về màu xanh, những mầm sống mới.

Những công trình tiên phong

Hàng năm Bình Thuận chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, lượng mưa ít. Phần lớn diện tích đất canh tác là cát pha bạc màu nằm trong vùng thiếu nước nên người dân vẫn không sao thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo... Nông dân loay hoay dầm mưa dãi nắng cả năm với một vụ lúa bấp bênh và vài ba loại cây trồng có năng suất và sản lượng rất thấp. Thời điểm năm 1985- 1996, năng suất lúa chỉ đạt khoảng 15 tạ/ha. Lúc thời tiết thuận lợi thì cũng chỉ đạt trung bình 25 tạ/ha.

Công trình thủy lợi hồ Sông Quao thuộc huyện Hàm Thuận Bắc là một trong những công trình thủy lợi được xây dựng tiên phong và phát huy hiệu quả. Trước khi công trình được xây dựng, đất đai nơi đây cằn cỗi do thiếu nước. Hầu hết các cánh đồng chỉ sản xuất một vụ lúa trong năm, và phải trông chờ vào nguồn nước trời, nên năng suất cây trồng thấp, cuộc sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 1988, hồ thủy lợi Sông Quao được khởi công xây dựng với niềm mong mỏi, hy vọng của những người dân nơi đây. Tuy nhiên, do điều kiện còn khó khăn và thời tiết vô cùng khắc nghiệt nên phải tốn thời gian hơn 10 năm (năm 1997) công trình mới hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, hồ Sông Quao có dung tích 73 triệu m3, công trình cung cấp nước tưới cho hơn 8.100 ha đất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Bắc. Hiện nay, do được bổ sung nguồn nước từ sông Lũy về nên tổng diện tích tưới toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi Sông Quao khoảng 11.000 ha và cấp nước sinh hoạt cho thành phố Phan Thiết với công suất 25.000 m3/ngày. Qua thời gian đưa vào khai thác, công trình hồ thủy lợi Sông Quao đã phát huy hiệu quả hoạt động.

Ông Nguyễn Hòa, một lão nông tại xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, từ khi công trình thủy lợi Sông Quao được đưa vào hoạt động và nguồn nước luôn ổn định đã tạo điều kiện cho người dân canh tác sản xuất, nhờ vậy cuộc sống người dân nơi đây đã khấm khá hơn. Không phải trông chờ  vào nguồn nước trời mỗi năm một vụ bấp bênh như ngày xưa; có nguồn nước, chúng tôi canh tác lúa mỗi năm ba vụ. Bên cạnh đó, nhờ nguồn nước dồi dào nên có thể chuyển đổi cây trồng hiệu quả hơn.

Để khai thác hiệu quả những công trình thủy lợi, đồng thời tận dụng triệt để nguồn nước xả từ các nhà máy thủy điện, tỉnh Bình Thuận đã triển khai xây dựng hệ thống kênh chuyển nước, còn gọi là kênh “nối mạng”.

Kênh này sẽ chuyển nước từ các hồ chứa lớn đến các hồ chứa nhỏ cũng như điều tiết nước từ lưu vực dư thừa sang lưu vực thiếu, hạn chế được sự thiếu nước trong mùa khô tại một số vùng.

Với sáng kiến “nối mạng” liên thông giữa các hồ chứa nước đã khai thác tối đa hiệu quả những công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng. Trong số các công trình phát huy hiệu quả phải kể đến là hệ thống kênh tiếp nước Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập dài gần 40 km phủ kín vùng chuyên canh thanh long của huyện Hàm Thuận Nam; hệ thống kênh Châu Tá dài 32 km đưa nước từ đập 812 về tận vùng hạn Hồng Sơn, Hồng Liêm của huyện Hàm Thuận Bắc...

Trên địa bàn tỉnh đã xây dựng 15 tuyến kênh “nối mạng” với chiều dài 265 km, đang phát huy hiệu quả tốt với nhiệm vụ tiếp nước, tưới tăng vụ cho 19.700 ha và mở rộng khu tưới 18.000 ha.

Ông Huỳnh Duy Khôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình cho biết, việc đưa vào hoạt động công trình kênh chuyển nước đã giải quyết rất nhiều vấn đề trong việc di chuyển nguồn nước. Đặc biệt, tại huyện Bắc Bình thì các kênh chuyển nước này đã kết nối hồ Cà Giây với kênh kênh chuyển nước 812- Châu Tá để cung cấp nước về cho huyện Hàm Thuận Bắc. Gần đây thì các đơn vị đã triển khai đầu tư hệ thống kênh chuyển nước Cà Giây - Cây Cà để “nối mạng” với hệ thống thủy lợi huyện Tuy Phong… việc kết nối này đã giúp huyện Bắc Bình chủ động trong sản xuất nông nghiệp, cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.

Đầu tư đúng hướng

Từ thành công bước đầu, tỉnh Bình Thuận xác định để mở lối ra cho nông nghiệp phát triển thì vấn đề nước là cần ưu tiên hàng đầu. Được sự đầu tư của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, ngân sách tỉnh và nhân dân đóng góp, Bình Thuận đã hình thành một hệ thống thủy lợi đầu mối quan trọng, đưa nguồn nước về tưới mát những cánh đồng khô hạn. Đảng bộ và nhân dân Bình Thuận đã sử dụng hàng triệu ngày công lao động và hàng nghìn tấn vật tư để đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế-xã hội của tỉnh.

Chú thích ảnh
Công trình thủy lợi hồ Sông Quao thuộc huyện Hàm Thuận Bắc là một trong những công trình thủy lợi được xây dựng tiên phong của tỉnh Bình Thuận. 

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, từ một địa phương khô hạn, chủ yếu có các công trình thủy lợi vừa và nhỏ với năng lực thiết kế tưới 27.400 ha, đến nay tỉnh có 78 hệ thống công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác sử dụng với tổng năng lực tưới thiết kế 70.300 ha, tổng dung tích trữ 324 triệu m3. Tỉnh đã nỗ lực, dồn sức đầu tư, hoàn thành nhiều công trình thủy lợi lớn như: hồ Sông Quao, dung tích hơn 73 triệu m3; hồ Cà Giây, dung tích gần 40 triệu m3; hồ Lòng Sông, dung tích trên 35 triệu m3…

Những công tác thủy lợi đã góp phần quyết định vào việc phát triển nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đến nay toàn tỉnh đã chủ động tưới trên 50% diện tích đất canh tác cần tưới hàng năm; xấp xỉ 75% diện tích đất lúa theo quy hoạch; cung cấp nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

Việc đầu tư hạ tầng thủy lợi đã tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng trong tỉnh, góp phần mở rộng diện tích gieo trồng được tưới toàn tỉnh từ 32.600 ha (năm 1992) tăng lên 114.500 ha (năm 2021), gấp 3,5 lần. Đồng thời, cấp nước phục vụ sinh hoạt và các ngành kinh tế khác đạt triệu m3 năm 2021.

Từ khi các công trình thủy lợi đưa vào hoạt động đã phát huy hiệu quả tích cực, những vùng đất khô cằn của các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc… đã nhanh chóng hồi sinh. Thành công từ việc đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi không chỉ giúp địa phương chủ động tưới cho diện tích canh tác, mà còn góp phần khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, qua đó tăng cao thu nhập cho người dân.

Hàng nghìn hộ dân được thụ hưởng từ những công trình thủy lợi đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ mảnh đất của mình. Năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp được nâng lên, sản lượng lương thực tăng liên tục hằng năm. So với năm 1992, năng suất lúa đạt bình quân 59 tạ/ha (tăng 34 tạ/ha); sản lượng lương thực tăng gấp 4,7 lần (841.710 tấn/ 180.242 tấn). Cơ cấu cây trồng chuyển đổi đúng hướng, diện tích cây lâu năm từ 12,6% (năm 1992) tăng lên 35,4% (năm 2021).

Một tin vui đến với tỉnh Bình Thuận là Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 93/2019/QH14 quyết định chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Hồ Ka Pét với tổng mức đầu tư dự án hơn 1.000 tỷ đồng, dung tích tích thiết kế hơn 50 triệu m3 sẽ là một trong những hồ chứa quan trọng nhất tỉnh Bình Thuận. Dự án Hồ chứa nước Ka Pét được xây dựng sẽ là một trong những công trình có tính quyết định đối với việc cung cấp nước sinh hoạt không chỉ cho huyện Hàm Thuận Nam mà còn đối với việc cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho thành phố Phan Thiết và vùng phía Nam của tỉnh Bình Thuận để phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh biến đổi khí hậu rất phức tạp.

Một dự án quan trọng trong phòng chống hạn mà tỉnh đang ráo riết phối hợp triển khai xây dựng là Dự án hồ chứa nước La Ngà 3. Hiện nay, dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Đây là công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh với dung tích hơn 470 triệu m3. Mục tiêu cấp nước tưới cho 80.000 ha sản xuất nông nghiệp, cấp 300.000 m3/ngày nước sinh hoạt, công nghiệp, du lịch và dịch vụ….

Ngày nay, những hình ảnh ruộng lúa thiếu nước cháy vàng, cát trắng bỏng chân, những cánh đồng bụi bay mù mịt hầu như không còn nữa, mà đó là màu xanh bạt ngàn của những cánh đồng rộng lớn quanh năm xanh tốt; các loại cây màu như mì, mía, bắp… được nông dân xen canh quanh năm không cho đất “nghỉ”. Có nguồn nước, người dân đã tận dụng các ao đầm để nuôi cá, mang lại nguồn lợi thủy sản nước ngọt to lớn cho tỉnh nhà.

Cuộc sống của người dân Bình Thuận đã thay đổi từng ngày. Từ một tỉnh nghèo, kinh tế kém phát triển, tổng thu ngân sách nội địa của tỉnh chỉ 140 tỷ đồng (năm 1992) đã tăng lên 11.000 tỷ đồng (năm 2021); thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 69,6 triệu đồng/người/năm. Kinh tế phát triển đã tạo điều kiện cho tỉnh đầu tư giải quyết các vấn đề xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, bộ mặt của quê hương ngày càng khởi sắc.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh (TTXVN)
Long An: Đảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều
Long An: Đảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, ngành Nông nghiệp đề ra các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN