Tại diễn đàn, các chuyên gia hàng đầu về đô thị thông minh đến từ công ty Google Cloud Việt Nam, công ty Bespin Global, Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Đô thị AURI, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc KCCI, Tiki, Momo, Selex Motors… đã chia sẻ các nội dung liên quan đến các trụ cột hỗ trợ doanh nghiệp Đô thị thông minh; xu hướng công nghiệp trí tuệ nhân tạo AI toàn cầu; chiến lược phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam; thanh toán thông minh và đổi mới; giải pháp giao thông thông minh cho đô thị thông minh; thương mại điện tử và chuyển đổi kỹ thuật số.
Các diễn giả, chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ các mô hình, chính sách thúc đẩy về đô thị thông minh trên thế giới nhằm đóng góp vào hành trình phát triển của tỉnh Thừa Thiên - Huế theo hướng bền vững, thông minh, tăng trưởng xanh.
Bà Nguyễn Phạm Phương Thảo, đại diện Công ty Google Cloud Việt Nam, Tập đoàn Google cho biết, Thừa Thiên – Huế là một trong những địa phương tiên phong thực hiện chuyển đổi số, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số gắn với chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ từ địa phương đến trung ương, ngày càng tạo ra giá trị và sự thuận tiện cho người dân.
"Chúng tôi mong muốn sẽ trở thành đối tác công nghệ chiến lược của tỉnh Thừa Thiên – Huế và sẵn sàng hỗ trợ đào tạo nguồn lực trong các trường đại học, các buổi chia sẻ, thảo luận về công nghệ"- bà Nguyễn Phạm Phương Thảo nhấn mạnh.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Văn Hiệp, Viện Quy hoạch và Kỹ thuật Giao thông Vận tải, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Chính phủ cần định hướng, xây dựng tổng thể về quy hoạch và phát triển thành phố thông minh, đồng thời đưa ra những cơ chế chính sách để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của xã hội và thị trường; bổ sung các tiêu chí, tiêu chuẩn phù hợp với từng địa phương. Điển hình như Thừa Thiên – Huế cần xây dựng thành phố thông minh trên nền tàng bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, hướng đến thành phố xanh và sạch. Bên cạnh đó, tỉnh cần xây dựng đô thị thông minh trên lộ trình nhất định, cụ thể theo từng giai đoạn, từng thời điểm sao cho phù hợp với sự phát triển chung; xây dựng các chiến lược mục tiêu rõ ràng để thực hiện các dự án thành phố thông minh một cách bền vững, hiệu quả trong tương lai; xây dựng cơ chế huy động nguồn vốn, khuyến khích nhà đầu tư tham gia xây dựng thành phố thông minh trong các dự án cụ thể.
Cũng trong dịp này đã diễn ra ký kết hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực giữa Viện nghiên cứu phát triển Thừa Thiên - Huế và Viện nghiên cứu kiến trúc và đô thị Bespin Global Việt Nam, Đại học Huế và Trung tâm Công nghệ thông tin Thừa Thiên - Huế.