Theo đó, đến nay diện tích cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá trên địa bàn tỉnh là gần 2.800 ha, hầu hết số diện tích này sắn đang trong giai đoạn nuôi củ, với tỷ lệ nhiễm từ 30 - 90%; trong đó, Xuyên Mộc vẫn là địa phương có số diện tích bị nhiễm nặng nhất trên toàn địa bàn tỉnh với hơn 1.800ha. Hiện, cơ quan chức năng của tỉnh đã tiêu hủy khoảng 8,5ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá ở mức độ nặng.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, năm nay diện tích sắn nhiễm bệnh khảm lá tăng cao hơn rất nhiều so với các năm trước. Nếu như năm 2018, diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá trên địa bàn tỉnh là 133 ha, năm 2019 với diện tích bị nhiễm là 60ha, thì nay đã tăng lên cao. Bệnh khảm lá hiện không có thuốc để phòng trừ, tốc độ lây lan rất nhanh, ảnh hưởng lớn đến năng suất của sắn.
Trước tốc độ lây lan của bệnh khảm lá sắn, nhiều năm nay cơ quan chức năng của tỉnh đã khuyến cáo người dân từ khâu chọn giống. Đó là, không nên mua, bán giống sắn từ các tỉnh đã bị nhiễm bệnh khảm lá; không trồng giống sắn dễ bị nhiễm bệnh, không kháng được bệnh khảm lá như HLS11, HLS 12. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh hầu hết người dân vẫn lựa chọn 2 giống này để trồng vì có độ tinh bột rất cao.
Ngoài ra, hiện nay Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa như phun thuốc trừ bọ phấn trắng (trung gian mang mầm bệnh) ở những vùng có nguy cơ nhiễm bệnh; phối hợp với chính quyền địa phương quản lý tình hình buôn bán, sử dụng giống sắn, không vận chuyển thân lá sắn ra khỏi nơi nhiễm bệnh cũng như vận chuyển từ tỉnh khác đến.
Chi cục cũng tăng cường thông tin tuyên truyền, tập huấn để nông dân trồng cũng như người buôn bán giống mì ở địa phương nắm rõ tác hại của bệnh khảm lá sắn và các biện pháp phòng chống; đặc biệt là thông tin để nông dân biết và không trồng giống HL-S11, HL-S12, đồng thời khuyến cáo sử dụng các giống ít nhiễm bệnh như KM94, KM140...