Đổi thay ở huyện cuối cùng của Hà Nam về đích nông thôn mới

Lý Nhân là một trong những huyện của tỉnh Hà Nam có xuất phát điểm thấp nên nguồn lực đầu tư cho nông thôn mới còn nhiều hạn chế. Sau 10 năm nỗ lực, huyện Lý Nhân đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đây là huyện cuối cùng của tỉnh Hà Nam về đích nông thôn mới. Huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 vào tháng 8/2020. 

Chú thích ảnh
Huyện Lý Nhân có 100% số xã (22/22) đạt chuẩn nông thôn mới đạt 09/09 tiêu chí huyện nông thôn mới và không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. 

Đến xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam có thể dễ dàng nhận thấy diện mạo nông thôn mới đã thay đổi rõ rệt. Những tuyến đường liên thôn, liên xóm đều được bê tông kiên cố, sạch sẽ. Dọc hai bên đường đều được trồng hoa với những đèn cao áp được thắp sáng vào buổi tối tạo cảnh quan rất ấn tượng. Nhiều nhà cửa xây dựng khang trang mọc lên trên địa bàn xã.

Ông Nguyễn Văn Dũng, người dân xã Xuân Khê cho biết, những năm trước khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân xã Xuân Khê chủ yếu là sản xuất nông nghiệp mang tính nhỏ lẻ, manh mún nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Các tuyến đường trong xã thì gập ghềnh, nhiều “ổ voi, ổ gà” gây khó khăn trong việc đi lại của nhân dân.

Vì thế, khi được tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, người dân đều đồng tình, chung tay đóng góp công sức, tiền của, hiến đất, dịch tường, dịch dậu để xây dựng đường làng, ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp. Hiện nay, nhân dân rất phấn khởi khi đường làng, ngõ xóm nhân dân đi lại thuận lợi, sạch sẽ.

Nhiều lao động địa phương đã đi làm tại các cơ sở sản xuất, công ty, doanh nghiệp với mức thu nhập ổn định từ 6-10 triệu đồng/tháng. Xã Xuân Khê đã không còn hộ nghèo; đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao nên các hoạt động văn hóa, thể thao cũng được người dân Xuân Khê tích cực hưởng ứng.

Chú thích ảnh
Các công trình điện trung áp, hạ áp và trạm biến áp đầu tư liên xã được đồng bộ hóa đáp ứng yêu cầu cung cấp điện an toàn và đạt chuẩn. 

Chủ tịch UBND xã Xuân Khê Trần Mạnh Ngọc chia sẻ, triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới, đến nay nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân về xây dựng nông thôn mới được nâng lên rõ rệt, xác định rõ hơn vai trò chủ thể của người dân, vì lợi ích của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Nhờ đó, diện mạo vùng nông thôn Xuân Khê ngày càng khởi sắc, kết cấu hạ tầng giao thông, trường học, nhà văn hóa, kênh mương thủy lợi… được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động dịch chuyển nhanh và bền vững; các mô hình sản xuất mang hiệu quả kinh tế cao được đầu tư và phát triển góp phần nâng cao thu nhập cho người dân…  

Không riêng chỉ xã Xuân Khê, kể từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều xã khác trên địa bàn huyện Lý Nhân cũng đã từng ngày “thay da đổi thịt”.

Để đạt được điều đó, lãnh đạo huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đã có những chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Thành Thăng, Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân cho biết, vào ngày 21 hàng tháng, Ban chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới duy trì giao ban để đánh giá và kiểm điểm những kết quả của tháng trước và đề ra phương hướng nhiệm vụ của tháng sau. Ban chỉ đạo coi trọng tuyên truyền từ huyện xuống cơ sở, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, lấy người dân là chủ thể hưởng lợi và tham gia trong xây dựng nông thôn mới.

Điều đáng mừng là trong quá trình triển khai, huyện đã huy động sức dân trong việc hiến đất dịch tường, dịch dậu, đóng góp ngân sách để xây dựng đường làng, ngõ xóm và các công trình phúc lợi công cộng để tạo cảnh quan môi trường cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ.

Nhờ đó, đến hết năm 2019, huyện Lý Nhân có 22/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, xã Xuân Khê đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu; đạt chuẩn 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới và không có nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới.

Chú thích ảnh
Huyện Lý Nhân có 12 tuyến đường (ĐH01 đến ĐH12) với tổng chiều dài 59,8km đã được đầu tư xây mới và nâng cấp với 100% nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn.

Đến nay, toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Lý Nhân được nhựa hóa, bê tông hóa đạt tiêu chuẩn theo quy định, đảm bảo đi lại thuận tiện; 100% trường học các cấp có cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia; 100% thôn có nhà văn hóa, khu thể thao với đầy đủ các trang thiết bị để hội họp, sinh hoạt và tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ phục vụ nhân dân; 87,5% số thôn được công nhận thôn, làng văn hóa và 92,7% gia đình văn hóa…

Huyện cũng tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp và huy động tối đa các nguồn lực để phát triển toàn diện trên các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ… để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Tính đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người tại huyện Lý Nhân đạt 47,25 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 4,1 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 2,87%; tỷ lệ lao động có việc làm đạt 92,66%...Đặc biệt, trên các tuyến đường xã, thôn, nơi công cộng đã trồng được gần 92.300 m2 cây hoa, 4.650 cây xanh các loại để tạo cảnh quan ấn tượng trên địa bàn huyện. Tỷ lệ hộ dân được dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 98,9%; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98,3%...

Ông Nguyễn Thành Thăng nhấn mạnh, với quan điểm chỉ đạo, xây dựng nông thôn mới là quá trình thường xuyên liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện Lý Nhân tiếp tục xác định xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị; tập trung huy động các nguồn lực để nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới.

Huyện phấn đấu hết năm 2020 có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đến năm 2025 có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo đó, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa chương trình xây dựng nông thôn mới đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Huyện chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất hàng hóa tập trung; mở rộng các mô hình tích tụ ruộng, mô hình sản xuất liên kết chuỗi giá trị; phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp, công nghiệp; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ làng nghề, đồng thời xây dựng cơ chế thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, giải quyết việc làm góp phần nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, Lý Nhân cũng tập trung phát triển lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường; đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới.

Tin, ảnh: Thanh Tuấn (TTXVN)
Xã đặc biệt khó khăn đầu tiên tại tỉnh Kon Tum đạt chuẩn nông thôn mới
Xã đặc biệt khó khăn đầu tiên tại tỉnh Kon Tum đạt chuẩn nông thôn mới

Tháng 6/2020, Đăk Tơ Lung trở thành xã vùng III (xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) đầu tiên được UBND tỉnh Kon Tum công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN