Đổi thay trên vùng đất Tam Dương

Vùng đất Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc đang từng ngày đổi thay. Nhiều nhà máy, xưởng sản xuất đang mọc lên ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nằm đan xen trục đường nhựa, đường bê tông sạch bóng. Các trụ sở cơ quan, trục đường chính tại Trung tâm huyện được chỉnh trang sạch đẹp.

Chú thích ảnh
Mô hình khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn tại thôn Chùa, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc được người dân đồng thuận thực hiện, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Ảnh: baovinhphuc.com.vn

Những thành tựu quan trọng

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Huyện ủy Tam Dương, huyện được tái lập, đi vào hoạt động từ ngày 1/9/1998 theo Nghị định số 36/1998/NĐ-CP của Chính phủ trên cơ sở chia tách huyện Tam Đảo thành hai huyện Bình Xuyên và Tam Dương. Những năm đầu tái lập, Tam Dương là huyện nghèo, đời sống của người dân phụ thuộc lớn vào nông nghiệp… với xuất phát điểm kinh tế thấp, diện tích canh tác ít, chủ yếu là vùng gò đồi bạc màu, tiền đề phát triển công nghiệp - du lịch - dịch vụ rất hạn chế. Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ban, ngành, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đã phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực đạt được nhiều kết quả quan trọng. 

Trong 25 năm qua, cùng với làm tốt công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, huyện Tam Dương đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp.

Từ một huyện nghèo, thu ngân sách nhà nước chỉ đạt hơn 5,2 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 3 triệu đồng/năm, đến nay, Tam Dương trở thành huyện có nền kinh tế khá của tỉnh và phát triển toàn diện trên các mặt. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng; thương mại - dịch vụ; giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn năm 2022 đạt hơn 8.700 tỷ đồng, tăng gần 229% so với thời kỳ đầu tái lập huyện. Tổng thu ngân sách đạt hơn 1.900 tỷ đồng, tăng 1.894 tỷ đồng so với năm đầu tái lập huyện ( năm 1998). Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng/năm.

Tam Dương hình thành vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa tập trung với sản phẩm, thương hiệu có uy tín, chất lượng cung cấp cho thị trường như rau su su, mướp, dưa chuột, bí xanh, bí đỏ, ớt và rau xanh các loại. Tam Dương được đánh giá là địa phương có nền chăn nuôi phát triển tương đối mạnh của tỉnh. Theo thống kê, đến nay, toàn huyện có hơn 200 trang trại và hàng nghìn gia trại, hộ chăn nuôi, với hơn 13.000 con trâu, bò; hơn 85.000 con lợn và gần 3,8 triệu con gia cầm. Nhờ phát triển chăn nuôi, nhiều hộ khó khăn của huyện đã thoát nghèo.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt được những kết quả quan trọng. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 0,73%...

Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ huyện đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, gắn việc thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW (khóa X), Chỉ thị 03-CT/TW (khóa XI), Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tam Dương thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề nâng cao vai trò của chi bộ Đảng trong việc giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cùng với đó là tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; công khai công tác quy hoạch, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, bảo đảm nghiêm túc, đúng quy định, trong đó, chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ.

Đảng bộ huyện tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Hằng năm, tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 85%. Tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 90%.

Ghi nhận những thành tích đạt được, huyện Tam Dương được Đảng, Nhà nước, tỉnh Vĩnh Phúc tặng nhiều danh hiệu khen thưởng cao quý.

Phấn đấu đến năm 2030 là huyện công nghiệp

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện xác định mục tiêu “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo; sử dụng hiệu quả nguồn lực để Tam Dương phát triển toàn diện, bền vững, phấn đấu đến năm 2030 là huyện công nghiệp”. Để đạt và vượt các mục tiêu này, Đảng bộ huyện tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, linh hoạt, sáng tạo lãnh đạo, chỉ đạo ; thường xuyên củng cố, kiện toàn, sắp xếp, tổ chức bộ máy của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp theo hướng tinh gọn, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ. Đảng bộ huyện đề cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, phát huy dân chủ trong công tác cán bộ; chăm lo xây dựng Đảng, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong sạch, vững mạnh; tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống.

Huyện tập trung triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2026 và những năm tiếp theo; thường xuyên rà soát, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc, tạo sự kết nối không gian kinh tế và đô thị trên địa bàn. Huyện đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác điều hành của chính quyền các cấp, chấn chỉnh kỷ cương hành chính, xây dựng chính quyền theo hướng sát dân, gần dân.

Địa phương chú trọng nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; quan tâm giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, nhất là vấn đề nổi cộm được dư luận và nhân dân quan tâm...

Tam Dương tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị, duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ở mức cao. Thời gian tới, huyện tiếp tục đầu tư nguồn lực phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hàng hóa, có ứng dụng công nghệ cao; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực, tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng then chốt; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng môi trường hấp dẫn, thu hút dự án đầu tư, giải quyết việc làm, phát triển nghề mới ở nông thôn…

Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN)
ATK Hiệp Hòa đổi thay từng ngày  
ATK Hiệp Hòa đổi thay từng ngày  

An toàn khu 2 (ATK 2), huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang bao gồm 16 xã, từng là nơi hoạt động bí mật của các đồng chí lãnh đạo Trung ương thời kỳ tiền khởi nghĩa (1940 - 1945). Phát huy truyền thống cách mạng nhân dân các xã ATK 2 Hiệp Hòa tiếp tục đạt nhiều thành tích trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN