Dồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu

Xác định xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, tỉnh Thái Bình đang thực hiện nhiều giải pháp duy trì, nâng cao các chỉ tiêu, tiêu chí đã đạt chuẩn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra.

Chú thích ảnh
Xã Thụy Văn (huyện Thái Thụy) phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao năm 2024 và đạt nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2026. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Thiếu nguồn lực đầu tư

Xã Thụy Văn (huyện Thái Thụy) là xã thuần nông với 7 thôn, 1.800 hộ, trên 6.000 nhân khẩu. Mặc dù không phải là xã điểm nhưng năm 2013 xã Thụy Văn là một trong những địa phương về đích nông thôn mới sớm nhất huyện Thái Thụy. Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, địa phương đã tiếp tục duy trì, nâng cao các chỉ tiêu theo bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay xã đã đạt 17/19 nông thôn mới, phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao năm 2024 và đạt nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2026.

Để cán đích đúng kế hoạch đề ra, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Thụy Văn đang gấp rút hoàn thành những tiêu chí còn lại, đặc biệt là những tiêu chí cần nguồn lực lớn như đường giao thông, công trình nhà văn hóa. Theo đó phát huy sức mạnh từ nhân dân với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”.

Ông Đỗ Văn Xưởng, Trưởng thôn Văn Tràng cho biết, thôn đang tập trung cao để hoàn thành tuyến đường vành đai thôn Văn Tràng với chiều dài trên 1 km, dự kiến kinh phí 2,6 tỷ đồng. Để sớm hoàn thành tuyến đường, cấp ủy, chính quyền thôn đã vận động con em xa quê và nhân dân địa phương ủng hộ, hiến đất làm đường. Đến nay, công trình đã hoàn thành kè bờ sông, tôn cát nền, lu nền, hoàn thành mặt bằng trị giá số tiền 1,3 tỷ đồng.

Phấn đấu đến cuối tháng 11/2024 công trình được đưa vào khai thác, sử dụng, góp phần giúp Thụy Văn hoàn thành tiêu chí về giao thông trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, UBND xã Thụy Văn đã đề nghị UBND huyện Thái Thụy hỗ trợ 197 tấn xi măng để cùng nhân dân và địa phương hoàn thành tuyến đường.

Ông Vũ Hữu Tiếp, Chủ tịch UBND xã Thụy Văn cho biết, địa phương đang phải đối diện với tình trạng thiếu nguồn lực đầu tư và nợ xây dựng cơ bản. Sau khi về đích nông thôn mới năm 2013, Thụy Văn còn nợ xây dựng cơ bản số tiền 18,2 tỷ đồng. Đến tháng 8/2024 địa phương đã thanh toán 8 tỷ đồng; số còn lại là 10,2 tỷ đồng.

Trong khi đó tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều tiêu chí khó, yêu cầu cao, cần nguồn lực đầu tư lớn. Đơn cử như tiêu chí số 5 về giáo dục, xã phải hoàn thành các công trình như xây mới 8 phòng hiệu bộ trường tiểu học và trung học cơ sở, xây mới 5 phòng chức năng của nhà trường, xây mới nhà ăn bán trú, nhà vệ sinh, tường dậu, sân chơi với nguồn kinh phí dự 8,6 tỷ đồng.

Để tháo gỡ khó khăn, xã Thụy Văn đã xin chuyển mục đích sử dụng đất tại khu vực sau chợ Dành thôn 1 An Định và khu vực nhà văn hóa cũ thôn 3 An Định để đấu giá quyền sử dụng đất. Dự kiến, sau khi hoàn thành sẽ có nguồn kinh phí khoảng 17,8 tỷ đồng phục vụ trả nợ xây dựng cơ bản và hoàn thành các tiêu chí đầu tư mới.

Đây cũng là thực trạng chung ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Theo khảo sát của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Bình tại 20 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024, trung bình nhu cầu vốn để các xã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới nâng cao là 24,8 tỷ đồng/xã. Đây là nguồn kinh phí lớn đối với nhiều nơi, nhất là khi nguồn lực còn có hạn.

Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, đến nay tỉnh đã có 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đã được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh đánh giá đạt các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã được đoàn đánh giá cấp tỉnh đánh giá đạt 19/19 tiêu chí; 1 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trong số 189 xã còn lại chưa đạt xã nông thôn mới nâng cao có 54 xã đạt 15 - 18 tiêu chí; 80 xã đạt 10 - 14 tiêu chí; 55 xã đạt dưới 10 tiêu chí.

Dự kiến đến hết năm 2024, Thái Bình sẽ có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Về huyện nông thôn mới nâng cao, đến nay có 2 huyện (Quỳnh Phụ, Kiến Xương) cơ bản đạt 6/9 tiêu chí nông thôn mới nâng cao; các huyện còn lại cơ bản đạt từ 3 - 4 tiêu chí.

Đối với Thái Bình, vướng mắc lớn nhất hiện là thiếu nguồn lực đầu tư. Giai đoạn 2021 - 2025 nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ cho tỉnh Thái Bình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gần 0 tỷ đồng; thấp hơn so với giai đoạn 2016 - 2020 là 1.400 tỷ đồng. Bên cạnh đó nguồn kinh phí của các địa phương hạn chế, nguồn kinh phí từ đấu giá quyền sử dụng đất khó khăn; nguồn huy động xã hội hóa, huy động sức dân đã đến ngưỡng.

Nhiều cơ chế hỗ trợ

Để hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tỉnh Thái Bình đã ban hành nhiều cơ chế như Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh quy định thưởng cho các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2019-2022. Đến tháng 10/2024, UBND tỉnh Thái Bình đã phân bổ kinh phí 75 tỷ đồng cho 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2019 - 2022 với mức thưởng 3 tỷ đồng/xã, thưởng một lần dưới hình thức bổ sung vốn đầu tư để xây dựng các công trình phúc lợi và tiếp tục phấn đấu, củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Chú thích ảnh
Xã Thụy Văn (huyện Thái Thụy) gấp rút hoàn thành những tiêu chí xây dựng nông thôn mới cần nguồn lực lớn như đường giao thông, công trình nhà văn hóa. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Theo Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đến năm 2025, tỉnh Thái Bình hỗ trợ 3 tỷ đồng cho xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; hỗ trợ 5 tỷ đồng cho xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 20 tỷ đồng cho huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí bằng kinh phí mua xi măng trong định mức dự toán xây dựng công trình đối với đường giao thông trục thôn làm mới hoặc mở rộng; đường nhánh cấp 1 đường giao thông trục thôn làm mới hoặc mở rộng; đường giao thông nội đồng trục chính; kênh cấp 1, loại III; hệ thống rãnh thoát nước đường trục xã, trục thôn qua khu dân cư tập trung.

Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ xây dựng hệ thống đèn điện “Thắp sáng đường quê” trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, các xã đã hoàn thành trên 5.954 km, đạt 89,97% hệ thống điện chiếu sáng khép kín các tuyến đường trục xã, trục thôn, đường trong khu dân cư.

Theo Văn bản 15/TB-BNN-VPĐP ngày 28/5/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 giao các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tỉnh Thái Bình phấn đấu có 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4,6% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Để đạt mục tiêu này, bên cạnh rà soát các cơ chế hỗ trợ, tích cực huy động các nguồn lực, tỉnh Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; tập trung thực hiện phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thường xuyên đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, tiêu chí, bảo đảm hoàn thành kế hoạch đề ra...

Thu Hoài (TTXVN)
Xây dựng nông thôn mới nâng cao gặp khó ở tiêu chí nước sạch
Xây dựng nông thôn mới nâng cao gặp khó ở tiêu chí nước sạch

Giai đoạn 2021-2025, Quảng Ngãi phấn đấu đưa 33 xã về đích nông thôn mới nâng cao nhưng đến nay chỉ có 8 xã đạt chuẩn, 9 xã đăng ký về đích vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy nhiều địa phương đều gặp khó vì chưa đạt tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN