Hội nghị nhằm tăng cường tuyên truyền, nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp tích cực của cộng đồng công giáo trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Trương Mạnh Thắng, đại diện Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường cho biết, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên là những yếu tố đang tác động trực tiếp đến thành quả phát triển bền vững của đất nước. Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi sự đồng lòng, góp sức của toàn bộ hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội và người dân. Trong đó, vai trò của cộng đồng tôn giáo là quan trọng và không thể thiếu.
Đồng bào các tôn giáo đã đóng góp rất tích cực vào nhiều phong trào thi đua yêu nước, hoạt động nhân đạo, an sinh xã hội và đặc biệt là tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các tôn giáo đã xây dựng hàng nghìn mô hình, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần thay đổi nhận thức, hành vi và thói quen của chức sắc, chức việc, đồng bào.
Linh mục Trần Xuân Mạnh, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam khẳng định, việc bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của nhân loại để giữ gìn, bảo vệ sự sống của loài người. Ông đề nghị Ủy ban đoàn kết Công giáo các tỉnh và thành phố, cơ quan ngôn luận của Ủy ban đoàn kết tôn giáo tuyên truyền thường xuyên, đồng thời động viên hơn 7 triệu người theo đạo công giáo trên khắp đất nước tự giác, gương mẫu, trở thành người tốt làm việc tốt, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó đổi khí hậu.
Các giáo xứ, các linh mục trong toàn quốc cũng thường xuyên khuyên bảo, nhắc nhở đồng bào theo đạo thực hành hàng tuần các hoạt động làm "sáng, xanh, sạch, đẹp" tại nhà thờ, nhà, làng xóm. Đồng thời khuyến khích đồng bào theo đạo công giáo trồng cây, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất; sử dụng năng lượng sạch (mặt trời, gió) để không ảnh hưởng tới môi trường; sử dụng sản phẩm tái chế, giảm sử dụng túi nilon, đồ nhựa...
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe các chuyên gia, giảng viên thông tin về việc phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của cộng đồng công giáo trong bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu; kết quả triển khai, trao đổi, thảo luận giải pháp để triển khai chương trình phối hợp của một số tổ chức công giáo trong công tác này. Các đại biểu được trao đổi về chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước; một số mô hình hay của cộng đồng theo đạo công giáo tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải rắn sinh hoạt, một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu…
Hưởng ứng Chương trình phối hợp giai đoạn 2022-2026, Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam đã không ngừng phát huy vai trò trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu với nhiều hoạt động nổi bật được triển khai trên quy mô lớn.
Đó là Chương trình "Cộng đoàn xanh - sạch - đẹp" thu hút sự tham gia của hơn 100 giáo xứ trên cả nước; Chiến dịch "Ngày môi trường thế giới" và "Giờ Trái đất" với sự tham gia hơn 500 giáo xứ trong cả nước; Dự án "Tái thiết nhà cửa và cứu trợ thiên tai" thực hiện hơn 30 dự án tái thiết nhà ở chống lũ, xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch và lương thực cho người dân. Tổng cộng hơn 10 tỷ đồng đã được huy động từ các giáo xứ và tổ chức thiện nguyện để hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng…