Đóng cổng Khu công nghiệp Thạnh Lộc ở Kiên Giang

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang thực hiện đóng cổng Khu công nghiệp Thạnh Lộc nằm trên địa bàn huyện Châu Thành (Kiên Giang) từ 17 giờ ngày 20/7 đến hết ngày 1/8 để phòng, chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Chợ Vĩnh Thanh (thành phố Rạch Giá) thực hiện nghiêm phòng chống dịch COVID-19 khi người dân đến mua hàng hóa. Ảnh minh họa: Lê Huy Hải/TTXVN

Ông Lê Minh Trung, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang cho biết, Khu Công nghiệp Thạnh Lộc hiện có 14 doanh nghiệp hoạt động với trên 13.000 lao động. Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang yêu cầu các doanh nghiệp đã xây dựng phương án “3 tại chỗ” (sản xuất - ăn - nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc phương án “1 cung đường, 2 địa điểm” tổ chức hoặc phối hợp với các cơ sở y tế đủ năng lực, xét nghiệm SARS-CoV-2 cho cán bộ, người lao động vào làm việc, bảo đảm việc sàng lọc, phòng chống lây nhiễm dịch bệnh. Trong thời gian thực hiện phương án “3 tại chỗ”, doanh nghiệp tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn công nhân, người lao động các biện pháp phòng, chống dịch, chuẩn bị các điều kiện tiêm vaccine phòng COVID-19.

Mặt khác, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang cũng yêu cầu giám đốc các doanh nghiệp phải có lệnh điều xe thực hiện các công việc thật sự cần thiết của doanh nghiệp, trong đó ghi rõ thời gian ra-vào khu công nghiệp, địa điểm đến. Tài xế và người theo phương tiện khi trở về doanh nghiệp phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2.

Cần Thơ thành lập Bệnh viện dã chiến Cái Răng

Ngày 20/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Cần Thơ đã ban hành quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến Cái Răng với quy mô 100 giường để điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Trụ sở của bệnh viện đặt tại Trung tâm Y tế quận Cái Răng, đường Trần Chiên, khu vực Thạnh Mỹ, phường Lê Bình, quận Cái Răng. Phạm vi hoạt động của bệnh viện là tiếp nhận, phân loại, cấp cứu, điều trị các trường hợp mắc COVID -19 ở mức độ vừa và nhẹ trên địa bàn thành phố.

Theo Sở Y tế thành phố Cần Thơ, đến nay trên địa bàn đã có 3 cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 chưa có triệu chứng là: Bệnh viện Lao-Phổi thành phố Cần Thơ quy mô 100 giường, Bệnh viện dã chiến Bình Thủy quy mô 100 giường và Bệnh viện dã chiến Cái Răng quy mô 100 giường. Việc thành lập thêm các bệnh viện dã chiến tại các quận, huyện sẽ góp phần điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn đang có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây.

Cũng theo Sở Y tế thành phố Cần Thơ, tính đến 16 giờ trong ngày 20/7, thành phố Cần Thơ có thêm 29 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 8 trường hợp phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc tại cơ sở y tế, 8 trường hợp là F1 của các ca bệnh đã công bố trước đó, 8 trường hợp trong khu cách ly, phong tỏa... Như vậy, đến nay trên địa bàn thành phố có 199 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 2 ca tử vong trong ngày 20/7.

Ngày 20/7, thành phố Cần Thơ áp dụng thí điểm cách ly y tế tại nhà. Theo đó, đối với khu vực có nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa), thành phố sẽ áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà khi đáp ứng các điều kiện theo Công văn số 5599/BYT-MT ngày 14/7/2021 của Bộ Y tế. Trường hợp F1 tại các khu tập thể, khu chung cư, nếu có ca F0 tại nhà/gia đình thì đưa toàn bộ các ca này đi cách ly tập trung.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Bảo đảm phòng, chống dịch cho nhân viên giao hàng

Chú thích ảnh
 Từ ngày 20/7, các shipper tại Bà Rịa-Vũng Tàu phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Ngày 20/7, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ký văn bản hỏa tốc 8793/UBND-VP gửi các sở, ngành và các doanh nghiệp cung ứng, phân phối, giao nhận hàng hóa thiết yếu, nội dung liên quan về việc bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch cho đội ngũ nhân viên giao hàng (shipper).

Văn bản này yêu cầu các nhân viên shipper phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ kể từ khi lẫy mẫu và giấy xác nhận, cam kết của doanh nghiệp, cá nhân về tuân thủ 5K cùng các quy định phòng, chống dịch COVID-19. Việc xét nghiệm sẽ được thực hiện miễn phí đối với nhân viên shipper.

Các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ và các đơn vị cung ứng hàng hóa, UBND huyện, thị, thành phố đã có sẵn lực lượng shipper chuyên nghiệp phải tập huấn cho đội ngũ này về công tác phòng, chống dịch trong quá trình vận chuyển, giao-nhận hàng hóa; trang bị đồng phục, găng tay, khẩu trang, nước sát khuẩn, kính bảo hộ cho nhân viên shipper; phun, xịt khử khuẩn cho phương tiện vận chuyển trước và sau khi giao hàng; bố trí cho shipper giao hàng trong phạm vi một địa bàn nhất định…; phối hợp với các cơ quan y tế địa phương tổ chức lấy mẫu xét nghiệm định kỳ cho mỗi shipper 3 ngày 1 lần.

Để phòng, chống hiệu quả dịch COVID-19, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khuyến khích người dân mua hàng trực tuyến, gọi điện đặt hàng, hay phối hợp mua chung nhằm hạn chế tối đa số người đi chợ, siêu thị. Hiện đã có thêm nhiều đơn vị tham gia vào việc phân phối hàng hóa, nhu yếu phẩm đến từng hộ dân cùng với đội ngũ giao hàng, tuy nhiên lực lượng giao hàng hiện nay trên địa bàn tỉnh đang rất thiếu.

Bà Rịa-Vũng Tàu bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16 vào 0 giờ ngày 19/7. Đến ngày 20/7, toàn tỉnh ghi nhận 237 ca dương tính với SARS-CoV-2; trong đó thành phố Vũng Tàu có 94 ca, huyện Xuyên Mộc có 93 ca... Riêng từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 20/7, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận ca mắc mới.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương (TTXVN)
Các địa phương triển khai biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19
Các địa phương triển khai biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng yêu cầu, lãnh đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương và nhân dân triển khai giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN