Cùng với sự quan tâm đầu tư đồng bộ, đạt chuẩn về cơ sở hạ tầng, đời sống người dân các xã biên giới nâng lên rõ nét, số hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm. Qua đó, nhân dân đã cùng các lực lượng chung sức bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Tây Ninh có đường biên giới dài gần 240 km giáp Campuchia với nhiều đường mòn, lối mở; trong đó có 16 cửa khẩu gồm 3 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát và Tân Nam), 3 cửa khẩu chính (Chàng Riệc, Kà Tum, Phước Tân) và 10 cửa khẩu phụ. Những năm qua, Bộ đội Biên phòng đã gắn bó mật thiết với nhân dân, cùng nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, 20/20 xã biên giới thuộc 5 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều xã đang trong quá trình phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mẫu. Những người lính Biên phòng luôn chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn cuộc sống bình yên để người dân yên tâm phát triển kinh tế.
Dù đang là những ngày nắng gắt gao trên tuyến biên giới huyện Châu Thành nhưng thương binh Nguyễn Văn Phố (sinh năm 1956, ngụ ấp Bến Cầu, xã Biên Giới) vẫn không quản ngại đi kiểm tra từng cột mốc để đảm bảo chủ quyền lãnh thổ Quốc gia được giữ vững. Ông Phố chia sẻ, cuộc sống người dân tuyến biên giới từ lâu đã gắn bó mật thiết với Bộ đội Biên phòng. Bộ đội đã giúp bà con ổn định cuộc sống bằng nhiều hành động ý nghĩa. Dịp Tết vừa qua, bà con rất ấm lòng khi Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản về đến mảnh đất vùng biên. Từ đó, họ càng quyết tâm chung tay góp sức để bảo vệ mảnh đất vùng biên.
Xã Tân Hòa, một xã biên giới có địa giới hành chính xa nhất của huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, với tuyến biên giới dài hơn 10km. Năm 2020, xã Tân Hòa đạt chuẩn nông thôn mới và hiện đang tiếp tục phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao. Đời sống người nhân dân ở đây ngày càng được nâng cao, từng tấc đất vùng biên được giữ vững.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, xã đã phối hợp với Đồn Biên phòng Tống Lê Chân thực nhiều hoạt động trong công tác chăm lo đời sống người dân vùng biên giới, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới và bảo vệ đường biên cột mốc. Nhờ đó, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân vùng biên được nâng cao.
Năm 2020, xã Tân Đông, huyện Tân Châu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đang tiếp tục phấn đấu duy trì theo bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ. Theo ông Liêu Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Đông, đặc thù của địa phương là có 15,2km đường biên giới với 4/9 ấp giáp biên giới với Campuchia. Đa số hộ dân trên tuyến biên giới là đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất nông nghiệp, buôn bán. Chính quyền địa phương cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với từng hộ dân. Qua đó, người dân trên tuyến biên giới đã không ngừng nâng cao nhận thức, cảnh giác với các loại tội phạm vùng biên, cũng như ý thức bảo vệ từng cột mốc.
Theo Thượng tá Phạm Minh Tâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Kà Tum, xã Tân Đông, huyện Tân Châu, cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, cán bộ, chiến sĩ tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến bà con nhân dân. Nhiều người ủng hộ chủ trương, sức lực và tự nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Nhiều chương trình đồng hành với sự phát triển kinh tế-xã hội và chăm đời sống nhân dân vùng biên được triển khai như: Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, Nâng bước em đến trường, Con nuôi Đồn Biên phòng. Nhiều hộ khó khăn trên tuyến biên giới đã vượt khó vươn lên. Đời sống tinh thần của nhân dân được nâng cao qua các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao… Từ đó, bà con đã góp phần cùng Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương bảo vệ vững chắc từng cột mốc vùng biên.
Thiếu tá Mai Đức Thắng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tân Phú, huyện Tân Biên chia sẻ, trên cơ sở đặc điểm tình hình biên giới, địa bàn đơn vị được giao quản lý, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Tân Phú đã phối hợp với UBND xã Tân Bình thường xuyên rà soát các hộ dân có đất sản xuất trên biên giới, có đường biên giới, mốc quốc giới đi qua; tiến hành liên hệ, gặp gỡ, tuyên truyền, vận động các tập thể, hộ gia đình cam kết tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới. 4 tập thể, 10 hộ gia đình đăng ký tự quản 4,5/18,102 km đường biên giới; 13/36 cột mốc đơn vị được giao quản lý, bảo vệ.
Các tập thể, gia đình tham gia ký kết, trong quá trình sản xuất đã chủ động không để ảnh hưởng đến đường biên giới, mốc quốc giới; kịp thời cung cấp thông tin cho đơn vị về hoạt động chăn thả trâu bò qua biên giới, hoạt động sản xuất của người dân Campuchia có thể ảnh hưởng đến đường biên, mốc quốc giới, từ đó có biện pháp ngăn chặn; tham gia cùng đơn vị bảo vệ các cột mốc biên giới… Những hoạt động đó đã góp phần tham gia bảo vệ nguyên trạng dấu hiệu đường biên, mốc quốc giới, không để xảy ra tình trạng xâm canh, xâm cư, chủ quyền an ninh biên giới quốc gia được giữ vững.
Từ đầu năm 2024 đến nay, cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Tây Ninh tăng cường tuần tra, kiểm soát, chủ động nắm bắt tình hình, đảm bảo an toàn, bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới.
Đại tá Phạm Đình Triệu, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện nay, các xã vùng biên đã có trên 450 tập thể và hộ gia đình đăng ký thực hiện phong trào tự quản đường biên, cột mốc; trên 1.250 tổ an ninh trật tự được duy trì. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị trên tuyến biên giới ngày càng ổn định, giúp Bộ đội Biên phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia. Bà con vùng biên không tiếp tay buôn lậu, tích cực tố giác tội phạm, bảo vệ vững chắc biên giới lãnh thổ Quốc gia. Công tác phòng, chống tội phạm trên tuyến biên giới đạt được nhiều kết quả tốt, trong đó đã phá nhiều chuyên án ma túy qua biên giới với số lượng lớn. Những kết quả đạt được này là minh chứng cho sự đồng hành, giúp đỡ của nhân dân của lực lượng chức năng vùng biên.