Xây dựng vùng chuyên canh
Tỉnh Đồng Nai có đất đai màu mỡ, điều kiện tự nhiên, thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn phát triển manh mún, chưa xây dựng được các thương hiệu nông sản lớn, chuyên canh và nông sản của tỉnh vẫn đang gặp khó trong khâu tiêu thụ, xây dựng thương hiệu riêng...
Bà Võ Thị Trúc Thanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Thanh Trung (thành phố Long Khánh, Đồng Nai) cho biết, hiện công ty đã xây dựng thành công chuỗi liên kết sầu riêng và mít xuất khẩu, mỗi năm xuất khẩu trên 20 - 30 ngàn tấn sầu riêng, mít tươi và cấp đông sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay thị trường này không còn dễ tính, nên để sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch đòi hỏi phải có mã số vùng trồng, mã số đóng gói…
“Muốn có đủ cơ sở pháp lý cho trái cây xuất khẩu, yếu tố tiên quyết là nông sản phải có mã số vùng trồng. Tuy nhiên, hiện số đơn vị được cấp mã số vùng trồng và mã số đóng gói vẫn còn ít. Vì vậy, đơn vị mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm xây dựng các vùng chuyên canh để có thể xây dựng được các mã vùng trồng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Mặt khác, cần vận động, hướng dẫn người dân liên kết, thành lập thêm nhiều HTX nhằm tạo vùng nguyên liệu lớn, ổn định và cấp mã số số vùng trồng để doanh nghiệp liên kết, tiêu thụ không chỉ thị trường Trung Quốc còn tiến tới thị trường Mỹ và châu Âu, cũng như các thị trường khó tính khác”, bà Võ Thị Trúc Thanh nói.
Tương tự, ông Phạm Văn Nhanh, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Phú An (huyện Tân Phú, Đồng Nai) cho biết, HTX được thành lập năm 2018 với diện tích 120 ha làm theo VietGAP. HTX đã được cấp mã số vùng trồng nên có nhiều tập đoàn, công ty đến đặt vấn đề thu mua sản phẩm sầu riêng của HTX khiến bà con xã viên rất vui.
“Tại xã Phú An, huyện Tân Phú có diện tích sầu riêng khoảng 1.200 ha nhưng nhiều diện tích chưa có mã số vùng trồng, vì vậy HTX rất mong UBND tỉnh, Chi cục Bảo vệ thực vật tạo điều kiện giúp những diện tích chưa có mã số vùng trồng sớm có mã vùng trồng để bà con tranh thủ làm cho kịp thời vụ năm 2023”, ông Phạm Văn Nhanh nói.
Là địa bàn có diện tích trồng bưởi lớn tại các tỉnh phía Nam với hơn 8.000 ha nhưng doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai vẫn gặp khó trong khâu tiêu thụ. Bà Cao Thị Ten, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Ngọc (huyện Định Quán, Đồng Nai) cho biết, đơn vị là một trong những chủ thể đi tiên phong tham gia chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh và sản phẩm của HTX hiện đã vào được nhiều cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị.
Bà Cao Thị Ten cho biết, để có thể xây dựng được thương hiệu bưởi da xanh, HTX đã đổ rất nhiều vốn đầu tư cho nhãn hàng, bao bì và kiên trì bỏ tiền túi đầu tư cho khâu xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, HTX vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong hành trình tiếp cận và giữ chân khách hàng. Nguyên nhân do trên thị trường có quá nhiều sản phẩm bưởi da xanh khiến khách hàng khó phân biệt. Ví dụ tại Đồng Nai có nhiều loại bưởi OCOP như: Bưởi da xanh Tà Lài (huyệnTân Phú), bưởi da xanh huyện Cẩm Mỹ, bưởi da xanh huyện Vĩnh Cửu...
"Sau đợt dịch COVID-19, HTX còn đối mặt với việc tìm kiếm nguồn khách hàng mới và phải khởi động lại từ đầu các khâu tiếp thị, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm vì các đơn đặt hàng từ khách quen trước đó đã bị mất. Khó khăn tiếp theo là HTX vẫn đang tự "bơi" trong khâu vay vốn ưu đãi và các chính sách khác. HTX rất mong sớm tiếp cận được những chính sách hỗ trợ về vốn cũng như trong xúc tiến thương mại, phát triển thị trường", bà Cao Thị Ten kiến nghị.
Gỡ khó cho đầu ra
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có 111 sản phẩm OCOP nhưng có nhiều địa phương vẫn chưa đạt mục tiêu trong xây dựng được mỗi xã một sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới. Ngay cả những sản phẩm OCOP đã được công nhận, chủ yếu vẫn có quy mô manh mún, nhỏ lẻ, rời rạc với nhiều sản phẩm trùng lắp, chưa có thương hiệu mạnh được thị trường nhận diện nên các sản phẩm này thường gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ.
Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, trong năm 2022, số sản phẩm đạt OCOP vẫn còn ít so với mục tiêu, kế hoạch tỉnh đặt ra từ đầu năm. Đa số các sản phẩm OCOP này còn gặp nhiều khó khăn về xây dựng thương hiệu cũng như xây dựng chuỗi liên kết để có đầu ra bền vững nên chưa trở thành thương hiệu lớn, tiêu biểu cho nông sản của tỉnh mà vẫn mang tính manh mún, nhỏ lẻ.
"Ở đây có vai trò, trách nhiệm của địa phương cũng như các sở, ngành liên quan trong hỗ trợ cho các chủ thể thực hiện tháo gỡ các khó khăn về tiêu thụ cho sản phẩm OCOP cũng như định hướng cho các đơn vị, doanh nghiệp khi xây dựng sản phẩm tránh trùng lắp…", ông Võ Văn Phi cho biết.
Để tháo gỡ khó khăn cho các HTX, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, ông Võ Văn Phi cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các sở, ngành liên quan cần tiếp tục rà soát lại các quy hoạch ngành, cơ cấu nông nghiệp để đẩy mạnh sản suất và chế biến, phát triển thị trường trong và ngoài nước. Các đơn vị, sở ngành cần nghiên cứu xây dựng các vùng chuyên canh kết hợp giữa sản xuất và chế biến đảm bảo số lượng, chất lượng để sản xuất trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp quản lý chất lượng tiên tiến để đảm bảo tiêu chuẩn nước ngoài hướng đến xuất khẩu. Sở Công Thương cần tiếp tục rà soát, hỗ trợ để đưa các sản phẩm OCOP ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Trong đó, tập trung liên kết với các nhà phân phối hiện đại để có thể mang sản phẩm OCOP đến tận tay người tiêu dùng trên cả nước và nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, hiện tỉnh Đồng Nai có 185 HTX nông nghiệp, gần 2.200 trang trại với tổng diện tích sản xuất gần 8.500 ha cùng 155 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ có liên quan đến nông nghiệp. Tỉnh cũng có trên 260 doanh nghiệp hoạt động sơ chế, chế biến thực phẩm với các sản phẩm chủ yếu là thức ăn chăn nuôi, sản phẩm sau khi giết mổ, sản phẩm trái cây sấy, chế biến cà phê, hạt điều. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm mới chỉ ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng chưa cao. Nhìn chung sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào hộ cá thể, mang tính nhỏ lẻ, chưa có doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và trồng rừng.
"Vì vậy, tỉnh đang khuyến khích doanh nghiệp, HTX trên địa bàn triển khai nhiều dự án xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ với nhiều mặt hàng chủ lực của địa phương, từ đó giúp tăng lượng nông sản được bao tiêu trong chuỗi liên kết. Trong lĩnh vực trồng trọt, Đồng Nai sẽ xác định các vùng trồng, khuyến khích nông dân tổ chức sản xuất phải gắn với tiêu thụ sản phẩm", ông Nguyễn Văn Thắng nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cũng cho biết, trong chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới cũng đã xây dựng kế hoạch, phương án lâu dài cho việc sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết từ nuôi trồng đến tiêu thụ, để đảm bảo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông sản. Theo đó, với các sản phẩm OCOP, tỉnh cũng đang kiến nghị cần có cơ chế, chính sách dài hạn, hoàn thiện hơn để “nuôi lớn” những thương hiệu sản phẩm OCOP thực sự mang tầm cấp tỉnh, cấp quốc gia để mở rộng kênh tiêu thụ. Đối với mã vùng trồng, tỉnh cũng đang tập trung xây dựng vùng nguyên liệu nhằm tạo ra các sản phẩm đồng loạt, nâng cao giá trị và tạo ra sản lượng hàng hoá lớn để có thể xây dựng mã vùng trồng cho các sản phẩm đặc trưng... Đây cũng là điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững theo xu thế phát triển nông nghiệp tuần hoàn trong thời gian tới.