Các địa phương trong khu vực như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực ít thâm dụng lao động, sử dụng năng lượng tái tạo và ít tác động đến môi trường. Nhiều cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường thuộc lĩnh vực dệt nhuộm, thuộc da, vật liệu xây dựng, hóa chất đang trong tiến trình phải di dời ra khỏi các khu đông dân cư, trung tâm thành phố...
Đưa chính sách vào cuộc sống
Triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 24-NQ/TW) các địa phương trong vùng đang nỗ lực xây dựng chính sách, chương trình, kế hoạch để hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Đông Nam bộ là một trong những vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới, phát triển đất nước. Với vị trí, vai trò, tiềm năng hiện có, vùng Đông Nam Bộ đã quán triệt sâu sắc các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, không ngừng phát huy lợi thế nhiều mặt, tập trung thúc đẩy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế.
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Võ Tân Thành, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn giúp các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông Nam Bộ nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các nguồn lực đầu tư từ cả trong và ngoài nước. Điều này đặc biệt quan trọng khi Việt Nam đang hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững, đảm bảo sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
Chia sẻ về kinh nghiệm, thực tiễn tốt trong cải thiện môi trường kinh doanh và liên kết vùng, ông Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội Vùng Nam bộ cho biết các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ luôn tiên phong trong nền kinh tế xanh.
Với diện tích chiếm 9% và dân số chiếm 20% cả nước nhưng vùng Đông Nam Bộ đóng góp hơn 30% GDP, khoảng 45% tổng thu ngân sách nhà nước và hơn 32% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Sự liên kết, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh, thành phố ngày càng được tăng cường và có nhiều điểm sáng.
Minh chứng cụ thể rõ nhất là cơ cấu kinh tế vùng Đông Nam Bộ chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh, tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng cao, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt mức cao nhất cả nước. Đông Nam Bộ có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước.
Đông Nam Bộ cũng là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm hơn 41% tổng vốn FDI cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa của vùng đạt 67%, diện mạo đô thị ngày càng hiện đại; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 79,5%, đứng thứ hai trong các vùng của cả nước.
Một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, đổi mới và cạnh tranh lành mạnh. Muốn phát triển kinh tế xanh, vùng Đông Nam Bộ cần phải triển khai nhiều giải pháp đột phá để có những bước phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai, ông Vũ Tuấn Hưng phân tích.
Đột phá xanh
Để trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước, Đông Nam Bộ cần tiếp tục chú trọng trong phát triển kinh tế xanh để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.
Theo Phó Trưởng ban Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Ngọc Thạch, các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh như nâng cao năng lực phản ứng và chất lượng thực thi chính sách, pháp luật, nhất là xử lý các vấn đề mới phát sinh của Luật Đất đai năm 2024. Các địa phương trong vùng này cũng cần phải tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hướng tới nền kinh tế xanh, hỗ trợ ở các lĩnh vực mà nhiều doanh nghiệp còn thấy phiền hà như đất đai, thuế, môi trường, phòng cháy, bảo hiểm xã hội, tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng.
Chia sẻ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hướng tới nền kinh tế xanh cho vùng Đông Nam Bộ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh cho biết, để hướng đến nền kinh tế xanh, kinh nghiệm của tỉnh là phải sàng lọc ngay từ đầu để chọn các dự án đầu tư hiện đại, có giá trị gia tăng cao, không gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng trong phát triển xanh của Bà Rịa - Vũng Tàu.
Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất TP Hồ Chí Minh Trần Việt Hà nhận định, phát triển kinh tế xanh là nhu cầu thực, xu hướng tất yếu của các nền kinh tế tiến bộ trên thế giới. Nhận thức được điều đó, năm 2020, thành phố chọn Khu công nghiệp Hiệp Phước có quy mô lớn nhất để áp dụng kinh tế tuần hoàn gắn với khu công nghiệp sinh thái. Nhằm thay đổi nhận thức của các doanh nghiệp, thành phố đã tổ chức nhiều hội thảo tập huấn nhằm nâng cao năng lực về hiệu quả sản xuất sạch. Các hội thảo về nâng cao năng lực giảm khí thải nhà kính, hội thảo trực tuyến hướng dẫn sử dụng hệ thống giám sát thực hành khu công nghiệp sinh thái. Kết quả, trong khu công nghiệp có hàng chục doanh nghiệp tham gia sản xuất sạch hơn, giảm tiêu thụ điện, nước và phát thải nhà kính, tiết kiệm điện được 90 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai Trần Trọng Toàn chia sẻ, môi trường luôn được tỉnh Đồng Nai đặt lên hàng đầu và đưa ra các giải pháp để bảo vệ nghiêm ngặt. Đồng Nai đã ban hành đề án giảm thiểu carbon trên địa bàn tỉnh tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, giảm thiểu carbon là nội dung chính trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đồng Nai cũng là tỉnh được Bộ Kế hoạch và đầu tư chọn Khu công nghiệp Amata làm thí điểm khu công nghiệp sinh thái. Dự kiến sau khi hoàn thành sẽ nhân rộng ra các khu công nghiệp trong tỉnh và cả nước. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác cũng được tỉnh yêu cầu có lộ trình tham gia vào giảm phát thải, hướng đến kinh tế xanh, tuần hoàn để phát triển bền vững.
Thực tế, đã có nhiều bài học về hệ lụy chỉ lo phát triển kinh tế mà bỏ quên môi trường. Ở đây cần loại bỏ tư duy “tăng trưởng bằng mọi giá”, thu hút đầu tư “bằng mọi giá” thay bằng tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh vào mọi hoạt động kinh tế, nhất là trong thu hút đầu tư.
Ông Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng vài trò của nhân tố vùng trong tăng trưởng rất quan trọng, do đó vùng Đông Nam Bộ cần hoàn thiện cơ chế khuyến khích trọng điểm vào các ngành nghề mà vùng có lợi thế so sánh, từ đó đẩy mạnh thu hút các nguồn lực có chất lượng gắn với khai thác lợi thế so sánh đặc thù của địa phương, của vùng.
Các địa phương vùng Đông Nam Bộ cần thúc đẩy sự kết nối giữa các tỉnh lân cận theo hướng hình thành vùng kinh tế gắn với thiết kế chính sách phát triển vùng lên tầm cao mới. Chính sách phát triển vùng cần phải đảm bảo tính khoa học và thực tiễn, tính kịp thời và tính tuân thủ, thực thi cao.
“Chúng ta đang có vấn đề về thể chế, một hướng là mở đường, giải phóng; một hướng là kìm hãm. Điều đó cho chúng ta thấy rằng, phải có quyết tâm chính trị, quyết liệt ở tầm cao nhất trong tạo sự đột phá đầu tư tăng trưởng mới, trong thí điểm để tạo động lực tăng trưởng mới. Ở đây, phải có thể chế đột phá, có tính mở đường, có tính dẫn dắt, có tính giải phóng thì thực hiện tăng trưởng xanh mới có hiệu quả trong tương lai”, ông Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh.
Với những lợi thế của một nền kinh tế năng động bậc nhất cả nước và nguồn nhân lực chất lượng cao, Đông Nam Bộ hoàn toàn có thể đảm nhận vai trò tiên phong hướng đến nền kinh tế xanh.