Cây sầu riêng đang dần trở thành cây trồng chủ lực ở huyện miền núi Sông Hinh, tỉnh Phú Yên khi mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm cho nhiều hộ nông dân. Thế nhưng vụ mùa năm 2024, thời tiết nắng nóng kéo dài đã khiến cho cây sầu riêng của nhiều nhà vườn rụng quả với số lượng lớn, dự báo năng suất giảm từ 30 - 50%. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đang tìm các giải pháp để phát triển cây sầu riêng bền vững.
Nguy cơ mất mùa do nắng nóng
Tính đến tháng 6/2024, diện tích trồng cây sầu riêng tại huyện miền núi Sông Hinh khoảng 800 ha, tập trung tại xã Ea Bar và chiếm gần 50% tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn. Có khoảng 300 ha cây sầu riêng đã cho quả từ năm thứ hai trở lên, còn lại là diện tích cây đang trong giai đoạn phát triển.
Vụ mùa năm 2024, nông dân huyện Sông Hinh tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây sầu riêng và tích cực chăm sóc cây đã ra quả để nâng cao năng suất thu hoạch. Tuy nhiên, tình hình nắng nóng ngay từ đầu năm và kéo dài đến nay đã khiến cho nhiều vườn cây sầu riêng khô lá, rụng quả. Một số nhà vườn còn bị chết cây hoặc khô héo, có nguy cơ giảm năng suất thu hoạch trong nhiều năm.
Trồng 25 ha sầu riêng giống Musang King từ năm 2018, đến nay vườn nhà ông Phan Văn Tân (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh) đã được 6 năm tuổi và đang cho quả thu hoạch. Thế nhưng nắng nóng kéo dài, kèm mưa đột ngột vào tháng 4 vừa qua đã khiến cho cây sầu riêng của vườn nhà ông rụng nụ và quả từ đó cho đến nay. Nhiều cây hầu như rụng toàn bộ không còn nụ và quả nào trên cành.
Ông Phan Văn Tân cho biết, với giá sầu riêng hiện nay khoảng 120.000 đồng/kg, số tiền thiệt hại do sầu riêng rụng quả của nhà ông lên đến hàng tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí đầu tư, công chăm sóc, phân bón… không hề nhỏ. Đây là năm đầu tiên ông trồng sầu riêng bị thua lỗ. Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng bất thường và kéo dài. Ông chưa có kinh nghiệm và giải pháp ứng phó với tình hình thời tiết khắc nghiệt cho cây sầu riêng.
Vườn sầu riêng với diện tích hơn 3 ha của ông Hồ Văn Thuân (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh) cũng bị rụng quả hàng loạt do nắng nóng kéo dài thời gian qua. Những quả rụng đang trong giai đoạn phát triển và to bằng nắm tay. Nếu như năm ngoái mỗi cây sầu riêng nhà ông có khoảng 30-40 quả thì năm nay chỉ còn khoảng 20 quả. Dự kiến năng suất giảm hơn 1/3 so với vụ mùa năm trước.
Vườn sầu riêng của gia đình ông Cao Nguyên Lâm (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh) trồng 1.300 cây sầu riêng 7 năm tuổi. Ông dự kiến năng suất thu hoạch khoảng 150 tấn. Tuy nhiên, do hiện tượng rụng quả trong thời gian qua nên năng suất giảm sâu, chỉ còn khoảng 40-50 tấn. Đây là năm đầu tiên người trồng sầu riêng tại huyện Sông Hinh bị ảnh hưởng do thời tiết khắc nghiệt. Ông mong muốn cơ quan chức năng và chính quyền địa phương hỗ trợ nông dân kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng và các giải pháp khắc phục, tránh bị thiệt hại trong những mùa sau.
Mở rộng diện tích phù hợp quy hoạch
Hiện tượng cây sầu riêng tại huyện Sông Hinh rụng nụ và quả với số lượng lớn đã ảnh hưởng nghiêm trọng nên năng suất mùa vụ, gây thiệt hại lớn cho người nông dân. Đây là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao nhưng chi phí đầu tư, chăm sóc cũng khá lớn. Bên cạnh nguyên nhân thời tiết bất lợi, nhiều chuyên gia và lãnh đạo địa phương nhận định còn liên quan đến kỹ thuật chăm sóc, phân bón và một số nguyên nhân khác về môi trường, thỗ nhưỡng. Một số diện tích trồng sầu riêng ở khu vực thiếu nước.
Theo ông Lê Mô Y Bông, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bar (huyện Sông Hinh), thời tiết diễn biến bất thường với nắng nóng kéo dài làm giảm năng suất đến cây sầu riêng từ 30 - 50% so với năm trước. Một số nhà vườn có diện tích sầu riêng bị rụng quả đến 80% tổng diện tích. Lãnh đạo địa phương khuyến cáo người dân tăng cường các biện pháp chăm sóc cho cây. Khi chuyển đổi các loại cây trồng khác sang trồng sầu riêng phải thực hiện ở những vùng đất phù hợp.
Thiệt hại về kinh tế cho vụ sầu riêng năm nay tại huyện Sông Hinh chưa thể thống kê được. Trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường như hiện nay thì rủi ro trong việc trồng trọt là điều khó tránh khỏi. Do vậy, người nông dân khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng cần hết sức thận trọng và có đánh giá toàn diện, định hướng lâu dài trước khi thực hiện. Vừa qua, do thấy hiệu quả kinh tế cao từ cây sầu riêng, nhiều người dân đã ồ ạt phá bỏ cây cao su để chuyển đổi sang loại cây trồng này.
Ông Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên khuyến cáo: Cần phải nghiên cứu, đánh giá để biết vùng đất nào phù hợp với cây sầu riêng rồi mới tiến hành trồng ở mức độ vừa phải. Còn những vùng nào phù hợp với cây cà phê, cao su thì phải giữ lại làm cây trồng chủ lực để tránh rủi ro về sau. Người dân cũng có thể trồng xen canh các loại cây trồng để vừa có thu nhập cao vừa giữ được cây trồng chính.
Bên cạnh việc mở rộng diện tích cây sầu riêng ở những vùng đất có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, người dân cần hướng đến mô hình trồng sầu riêng sạch, có truy xuất nguồn gốc, kết nối tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo các điều kiện xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, từ đó tạo giá trị và thu nhập bền vững. Huyện Sông Hinh hiện có 3 tổ hợp tác đăng ký cấp mã vùng xuất khẩu cây sầu riêng, ban đầu đã ký kết hợp đồng với 25 hộ dân với số lượng khoảng 10.000 cây, dự kiến sản lượng thu hoạch 2.000 tấn.
Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn cho biết: Hiện nay, địa phương đã khảo sát một số vùng để người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây sầu riêng, hình thành vùng sản xuất tập trung. Kết quả ban đầu, một số nhà vườn sầu riêng cho năng suất cao, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Địa phương cũng tích cực kết nối doanh nghiệp để liên kết sản xuất và hỗ trợ nông dân xuất khẩu chính ngạch sang thị trường nước ngoài, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm.
Để cây sầu riêng phát triển bền vững và đạt hiệu quả cao trên vùng đất Sông Hinh, ngoài việc kịp thời dự báo tình hình thời tiết khắc nghiệt để nông dân có giải pháp ứng phó, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tập huấn canh tác, chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng khoa học khi trồng loại cây có giá trị này.