Du lịch là điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế - xã hội Bình Thuận

Ngày 28/11, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XIV) tổ chức hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, thu chi ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025.

Chú thích ảnh
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2024.

Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, năm tăng tốc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Do đó, ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh sớm ban hành chương trình hành động triển khai nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, trong năm 2024, các chỉ tiêu chủ yếu dự kiến đạt và vượt là 14/17 chỉ tiêu. Kết quả nổi bật trong năm 2024 là kinh tế tỉnh tiếp tục phục hồi trên cả 3 trụ cột: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) ước tăng 7%. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 10.015 tỷ đồng (vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra). Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) năm 2024 ước tăng 10,2% so với năm 2023.

Du lịch tiếp tục là điểm sáng khi có tốc độ phát triển nhanh. Trong năm, toàn tỉnh ước đón 9, triệu lượt khách, tăng 15,91% so với năm 2023, doanh thu du lịch đạt 25.530 tỷ đồng, tăng 14,44% so với năm trước.

Xác định công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, ngay từ đầu năm, tỉnh rà soát, phê bình chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt thấp; đồng thời, hoàn thiện đầy đủ điều kiện để phân bổ vốn ngay từ đầu năm. Tính đến ngày 22/11/2024, giải ngân kế hoạch đầu tư công là 2.877 tỷ đồng, đạt 60,14% so với vốn kế hoạch năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao. Khai thác thủy sản tiếp tục đầu tư theo hướng giảm dần tàu thuyền công suất nhỏ khai thác ven bờ, phát triển tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ. Sản lượng hải sản khai thác năm 2023 đạt 239.600 tấn (tăng 1,81% so với năm 2023). Toàn tỉnh tập trung cao điểm thực hiện quyết liệt chỉ đạo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp và khắc phục tồn tại, hạn chế trong chống khai thác IUU theo ý kiến kết luận của Đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu.

Tuy nhiên, các đại biểu thẳng thắn nhìn nhận, năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội còn những khó khăn, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do giá vật tư, xăng, dầu tăng cao.

Tiến độ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của các dự án chưa đáp ứng nhu cầu thực tế đặt ra. Việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp còn nhiều khó khăn, bất cập. Vẫn còn trường hợp tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản trên biển, làm ảnh hưởng đến nỗ lực chung trong công tác phòng, chống khai thác IUU của tỉnh…

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận định hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Theo đó, năm 2025, tỉnh tiếp tục khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Trong năm 2025, tỉnh phấn đấu tổng sản phẩm nội tỉnh tăng từ 8 - 8,5%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt khoảng 10.400 tỷ đồng…

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh triển khai kịp thời Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; đồng thời, sớm ban hành Bảng giá đất theo quy định của Luật đất đai năm 2024.

Tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Phan Thiết gắn với xây dựng trình cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chung thành phố đến năm 2040.

Bình Thuận tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp theo các nghị quyết của Chính phủ. Tỉnh chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và tổ chức quốc tế tranh thủ vận động đàm phán các dự án ODA. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện giải pháp nhằm huy động tối đa nguồn vốn khu vực kinh tế tư nhân và nguồn vốn khác.

Tỉnh tập trung thực hiện tốt Đề án “Cơ cấu lại ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kính tế mũi nhọn”. Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến du lịch, thu hút nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, có thương hiệu để triển khai dự án lớn; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa dịch vụ, sản phẩm du lịch; triển khai quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia Mũi Né.

Bài, ảnh: Nguyễn Thanh (TTXVN)
Tinh gọn bộ máy: Làm lợi cho nhân dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Tinh gọn bộ máy: Làm lợi cho nhân dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Bài viết "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" của Tổng Bí thư Tô Lâm với những yêu cầu, giải pháp cấp bách thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị đã nhận được sự quan tâm và đồng tình của các cán bộ, đảng viên tại Thủ đô Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN