Du lịch MICE và Wellness - Hướng đi mới cho du lịch Bình Thuận

Cùng với việc tiếp tục phát triển mạnh các sản phẩm du lịch lợi thế như: Nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch thể thao biển, tỉnh Bình Thuận đang thu hút đầu tư và phát triển các trung tâm hội nghị, hội thảo tại các khu phức hợp du lịch có quy mô lớn, các dự án du lịch điều dưỡng, chữa bệnh, phục hồi sức khỏe.

Chú thích ảnh
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp chọn du lịch MICE. Ảnh minh hoạ: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Qua đó, mở ra hướng đi mới cho ngành Du lịch là loại hình du lịch nghỉ dưỡng gắn với kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, khen thưởng (du lịch MICE) và du lịch điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe (du lịch Wellness).

Tiềm năng phát triển loại hình du lịch MICE và Wellness

Du lịch MICE ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng. Nắm giữ vị trí chiến lược của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, đồng thời là “cửa ngõ” khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ và là một đỉnh của tứ giác vàng du lịch “Thành phố Hồ Chí Minh - Đà Lạt - Phan Thiết - Nha Trang”, Bình Thuận đang hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch này.

Theo ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Bình Thuận được thiên nhiên ưu đãi với bờ biển dài (được lọt vào top 10 bãi biển đẹp nhất châu Á - Thái Bình Dương do Skyscanner bình chọn), nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa bản địa đặc sắc với nhiều lễ hội truyền thống đặc trưng văn hóa miền biển thích hợp với nhu cầu giải trí, nghỉ dưỡng của khách du lịch MICE và chăm sóc sức khỏe, du lịch Wellness. Bên cạnh đó, khí hậu ôn hòa và ổn định đảm bảo để Bình Thuận có thể đón khách quanh năm, không lo ngại yếu tố thời tiết mùa vụ.

Bình Thuận hiện có hàng trăm cơ sở lưu trú, khách sạn, resort nghỉ dưỡng biển cao cấp, sang trọng với an ninh đảm bảo, có khả năng đáp ứng nhu cầu số lượng lớn du khách vào lúc cao điểm. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh đã thu hút nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch dọc khu vực ven biển, trong đó có một số dự án quy mô đầu tư lớn. Đến nay, 2 dự án du lịch đã được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 70 nghìn tỷ đồng; trong đó, có 188 dự án đã đi vào hoạt động kinh doanh. Toàn tỉnh có gần 600 cơ sở lưu trú du lịch, trong số này có 3 cơ sở chuẩn 5 sao và 34 cơ sở chuẩn 4 sao, với tổng số 17.433 phòng, khoảng 1.000 căn hộ, biệt thự du lịch cho thuê, khoảng 400 cơ sở ăn uống, mua sắm và dịch vụ thể thao, vui chơi, giải trí.

Chú thích ảnh
Mũi Né đã được công nhận là Khu du lịch Quốc gia, hứa hẹn sẽ mở ra hướng đi mới, phát triển tầm cao mới cho du lịch tỉnh nhà Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Thêm nữa, tỉnh Bình Thuận đang được đầu tư rất mạnh về hạ tầng đô thị cùng một loạt tuyến giao thông liên vùng nhằm gia tăng tính kết nối, mở rộng cơ hội giao thương với các thành phố lớn, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhận định về sự phát triển của du lịch MICE tại Bình Thuận, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, Bình Thuận hiện nay có đủ điều kiện để phát triển loại hình du lịch này vì thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư lớn đã đầu tư các khu phức hợp tại địa phương này để có thể tổ chức được các sự kiện lớn, phục vụ các đoàn khách lớn.

Một hướng đi mới của ngành Du lịch được phát triển sau đại dịch COVID-19, đó là du lịch điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe (Wellness). Nhờ có khí hậu trong lành, thời tiết nắng ấm, bãi biển trong xanh cộng với hệ thống các resort cao cấp ven biển với không gian riêng biệt, Phan Thiết nói riêng và Bình Thuận nói chung được du khách lựa chọn cho những chuyến du lịch Wellness.

Chị Trần Thị Ánh Chi, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Mũi Né rất thích hợp cho gia đình tôi trải nghiệm nghỉ dưỡng toàn diện. Không chỉ được thăm thú cảnh quan, không gian yên tĩnh, trong lành giúp chúng tôi hồi phục và tái tạo lại sức khỏe về thể chất cũng như tinh thần".

Đưa Phan Thiết trở thành điểm đến du lịch MICE và Wellness hàng đầu thế giới

Chú thích ảnh
Biển Hàm Tiến - Mũi Né. Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, bối cảnh cạnh tranh toàn cầu sau tác động của đại dịch COVID-19 đòi hỏi ngành Du lịch cần có những định hướng, kế hoạch mang tính dài hạn, bao gồm đổi mới sản phẩm, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh của du lịch mỗi địa phương. Thu hút đầu tư, phát triển du lịch MICE là một trong những định hướng quan trọng của du lịch Việt Nam. Cùng với xu hướng chung, đặc biệt là sau những tác động của đại dịch, chăm sóc sức khỏe là một trong những quan tâm hàng đầu của khách du lịch trong và ngoài nước.

Ở Bình Thuận, Phan Thiết là thành phố trung tâm có khả năng khai thác thế mạnh và trở thành điểm đến du lịch MICE và du lịch Wellness. Nơi đây không chỉ có Khu Du lịch quốc gia Mũi Né; có bãi biển sạch đẹp tự nhiên, khí hậu quanh năm nắng ấm mà quỹ đất dồi dào đa dạng, chi phí sinh hoạt thấp và đang được quy hoạch phát triển. Hiện nay, hàng loạt dự án giao thông đang triển khai và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong thời gian tới như cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo, tuyến đường nối cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết với đường ven biển ĐT719B, sân bay Phan Thiết…

Làn sóng đầu tư các khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước như: Novagroup, Apec group…mang đến cho Phan Thiết nói riêng và Bình Thuận nói chung bộ mặt mới. Đây sẽ là "cú hích" cho ngành Du lịch Phan Thiết, trong đó có du lịch MICE, du lịch Wellness phát triển trong tương lai gần.

Ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết, địa phương đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết 06 ngày 24/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Bình Thuận là định hướng chiến lược quan trọng để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là trụ cột kinh tế của tỉnh; xây dựng Khu Du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bên cạnh việc tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch cao cấp, lợi thế của tỉnh như golf, nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch thể thao biển, du lịch thể thao địa hình…, Bình Thuận đang phát triển các dòng sản phẩm du lịch chính là du lịch xanh. Đặc biệt, tỉnh quan tâm loại hình du lịch mới, đó là du lịch MICE và Wellness bằng việc thu hút đầu tư, phát triển các trung tâm hội nghị, hội thảo tại các khu phức hợp du lịch có quy mô lớn, các dự án du lịch điều dưỡng, chữa bệnh, thu hút dự án đầu tư bệnh viện quốc tế gắn điều trị với chăm sóc, phục hồi sức khỏe, thẩm mỹ…

Để góp phần đạt được mục tiêu đó, mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Tập đoàn Novaland chính thức khởi động Cuộc thi “Khát vọng Việt Nam: Đưa Phan Thiết trở thành điểm đến du lịch MICE và Wellness hàng đầu thế giới năm 2045”. Cuộc thi nhằm tìm kiếm và lựa chọn những ý tưởng, sáng kiến xuất sắc, khả thi từ các tổ chức, cá nhân khắp  nơi trên thế giới để quy hoạch phát triển, đưa Phan Thiết trở thành điểm đến du lịch MICE và Wellness hàng đầu thế giới. Từ đó giúp tỉnh Bình Thuận có những định hướng đầu tư, kêu gọi thu hút đầu tư các dự án phù hợp việc phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch chất lượng cao này.

Thực tế cho thấy, du lịch MICE là loại hình có thể thu hút được lượng khách lớn, có khả năng chi tiêu cao, cũng như lưu trú dài. Loại hình du lịch này có thể phát huy thế mạnh tài nguyên du lịch, thu hút được cả thị trường khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, loại hình du lịch MICE với đặc thù phục vụ đoàn khách đông, đòi hỏi dịch vụ cao nên đòi hỏi các địa phương và đơn vị kinh doanh du lịch cần phải có tầm nhìn chiến lược, đầu tư bài bản cơ sở vật chất, hạ tầng, nâng cấp dịch vụ một cách chuyên nghiệp hơn.

Theo ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Bình Thuận định hướng thu hút nhiều hơn nữa các tập đoàn lớn để xây dựng nên các đô thị nghỉ dưỡng ven biển. Đó là cái nền cơ sở vật chất để các hoạt động cụ thể của loại hình du lịch MICE có điều kiện phát triển; có thể đồng thời đăng cai tổ chức nhiều hoạt động du lịch; sự kiện du lịch tầm cỡ quốc gia, quốc tế cùng một thời điểm. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng chuẩn bị nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp để mang lại chất lượng phục vụ tốt nhất.

Hồng Hiếu (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh đón đoàn khách MICE đến từ Nam Phi
TP Hồ Chí Minh đón đoàn khách MICE đến từ Nam Phi

Ngày 11/8, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã đón đoàn 123 du khách có quốc tịch Nam Phi đến TP Hồ Chí Minh tham dự hội nghị và du lịch (MICE) từ ngày 11 – 14/8. Đây là đoàn khách MICE lớn thứ ba đến TP Hồ Chí Minh sau khi Thành phố mở cửa đón khách quốc tế trở lại từ ngày 15/3.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN