Sau nhiều năm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn và thành thị, có thể nói hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đáp ứng tốt nhu cầu buôn bán binh doanh của người dân. Hầu hết các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn Vĩnh Phúc được xây dựng ở khu dân cư tập trung nhất là khu đô thị lớn, khu công nghiệp tập trung, khu có nhiều cụm công nghiệp và làng nghề phát triển rất phát huy hiệu quả, thu hút đông đảo người dân đến mua-bán... Tuy vậy, vẫn còn những chợ vùng dân cư thưa thớt, ngành nghề dịch vụ chưa phát triển, có một số chợ đã bỏ hoang hóa. Thậm chí có những chợ gần khu công nghiệp, dân cư đông cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự.
Điển hình như chợ Ngọc Thanh, xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) được khởi công xây dựng từ năm 2005 với kinh phí hàng tỷ đồng nhưng nhiều năm hoạt động không hiệu quả. Công trình chợ bỏ hoang nhiều năm nên xuống cấp vì phơi mưa phơi nắng: rêu mốc bám vào chân tường, cỏ dại mọc xung quanh...
Chợ Nhạo Sơn (huyện Sông Lô) khởi công xây dựng đầu năm 2004, với diện tích 720 m2, tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ đồng, năm 2006 chợ Nhạo Sơn hoàn thành đi vào hoạt động với 32 ki ốt và nhà trung tâm, nhiều năm qua, chợ này hầu như không hoạt động. Hàng ngày, chỉ có khoảng 15-20 hộ dân trong xã đến bán hàng, chủ yếu là rau củ quả, thịt, cá quanh cổng chợ.
Hay như chợ Khai Quang nằm cạnh đường Tôn Đức Thắng thuộc thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đang trở thành nơi để hoang. Chợ này đang trong tình cảnh cửa đóng then cài, cây cỏ dại bủa vây, mất vệ sinh, thiếu thẩm mỹ, khiến nhiều người dân bức xúc, hoài nghi.
Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật chợ phường Khai Quang do UBND phường Khai Quang làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2016, dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2017. Tuy nhiên, sau khi giải phóng mặt bằng và hoàn thành một số hạng mục, dự án đã tạm dừng từ nhiều năm nay. Hiện nay, toàn bộ khuôn viên hơn 7.000 m2 của chợ đang bị bỏ hoang nhiều năm qua, cỏ dại bao phủ, một số hạng mục xuống cấp, trong khi người dân địa phương lại chưa có chợ để buôn bán. Chợ nằm ở khu đông dân cư, đặc biệt là sát cạnh Khu công nghiệp Khai Quang có trên 40 nghìn công nhân làm việc, hàng nghìn lao động tự do ngoài khu công nghiệp; trong đó không ít lao động ở trong và ngoài khu công nghiệp đang sinh sống tại địa bàn Vĩnh Yên, có nhu cầu đi chợ mua sắm hàng ngày tại khu vực họ làm việc, sinh sống.
Ông Hà Thanh Hùng, Chủ tịch UBND phường Khai Quang cho biết, theo quy định, chợ Khai Quang không được đầu tư từ ngân sách mà phải thực hiện xã hội hóa. Do nhu cầu bức thiết về giải quyết nơi buôn bán cho người dân, sau khi chợ Vĩnh Yên xây dựng, năm 2017 phần chợ cũ của Vĩnh Yên tháo dỡ ra, bao gồm: Cột, kèo sắt, mái tôn... được đưa về chợ Khai Quang để sử dụng lại. Tuy nhiên, khi đã mang phần khung thép, mái tôn về dựng tại chợ Khai Quang và qua kiểm tra các thủ tục thì lại phát hiện ra tài sản cũ từ Chợ Vĩnh Yên muốn đem đi nơi khác phải làm các thủ tục thanh lý mới đảm bảo quy định.
Chính từ các vướng mặc trên, cho tới nay chợ chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Phường Khai Quang đang đề xuất với lãnh đạo thành phố Vĩnh Yên có phương án xã hội hóa để có nguồn lực, kinh phí để hoàn thiện, sớm đưa chợ Khai Quang vào hoạt động. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư nào nhận tiếp tục đầu tư vào chợ Khai Quang.
Ông Lê Anh Tân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vĩnh Yên, cho biết, thành phố Vĩnh Yên đang nghiên cứu và đề xuất với tỉnh để đầu tư chợ Vĩnh Yên theo hướng xã hội hóa và đã có vài nhà đầu tư đang quan tâm, tìm hiểu. Tuy vậy, việc hình thành chợ này trước hết phải đảm bảo các lợi ích cho đông đảo người dân nhưng cũng phải đảm bảo lợi ích hài hòa của nhà đầu tư chợ.
Những năm gần đây, nhằm lập lại kỷ cương đô thị, trật tự an toàn giao thông và xây dựng văn minh đô thị, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương của thành phố vận động người dân dẹp bỏ các chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên. Các chợ như: Chợ tạm Mậu Lâm, chợ tạm Thanh Giã, chợ tạm Vina (Tên thường gọi của người dân vì gần Công ty TNHH Vina Korea thuộc Khu Công nghiệp Khai Quang), một số chợ tạm và điểm buôn bán tự phát khác tại Vĩnh Yên) đã được dẹp bỏ. Chợ Khai Quang đang được đầu tư dở dang và để hoang gây lãng phí, người dân mong thành phố Vĩnh Yên có giải pháp để đầu tư xây dựng chợ này bởi đây là nơi hoạt động kinh doanh, mua bán của đông đảo người dân, nhất là nhu cầu mua bán của hàng chục ngàn lao động trẻ tại các Khu công nghiệp lân cận, người dân sống trong khu chung cư tại địa bàn...
Theo quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới Chợ và trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng năm 2030, UBND tỉnh Vĩnh Phúc nêu quan điểm phát triển mạng lưới chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc một cách hợp lý, có trọng điểm, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các ngành kinh tế phù hợp với quy mô dân số, tâm lý, tập quán tiêu dùng và phát triển các yếu tố văn hoá, bản sắc dân tộc của từng địa phương; kết hợp truyền thống với hiện đại và văn minh thương mại. Đẩy nhanh quá trình xã hội hoá trong đầu tư xây dựng chợ, trung tâm thương mại, đồng thời tăng cường sự hỗ trợ của nhà nước trong đầu tư phát triển hạ tầng chợ đặc biệt là đối với chợ vùng nông thôn, miền núi... Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có tổng số 125 chợ với 71 chợ xây mới, 54 chợ nâng cấp cải tạo, 8 chợ phải di dời, giải toả....