Tuy nhiên, hiện giải phóng mặt bằng dự án đã chậm tiến độ, đội vốn đầu tư. Dù đã được Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh thời gian thực hiện và tăng tổng mức đầu tư nhưng đến nay dự án này vẫn “ì ạch”, nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ.
Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 659/QĐ-BGTVT ngày 10/4/2020; phê duyệt dự án và phê duyệt điều chỉnh dự án tại các Quyết định số 1872/QĐ-BGTVT ngày 30/9/2020; Quyết định số 2214/QĐ-BGTVT ngày 27/11/2020 với tổng mức đầu tư là 1.509,095 tỷ đồng, có tổng chiều dài tuyến 39,606 km đi qua địa bàn các huyện Cư M’Gar, Cư Kuin, Krông Pắc và thành phố Buôn Ma Thuột. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư, được khởi công năm 2020 và hoàn thành năm 2023.
Trước khó khăn trong giải phóng mặt bằng và chậm tiến độ dự án, tháng 9/2022, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tăng nguồn vốn thực hiện dự án, tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Do đó, ngày 20/11/2023, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định số 1512/QĐ-BGTVT điều chỉnh Dự án với tổng mức đầu tư lên 1.841,095 tỷ đồng (tăng gần 332 tỷ đồng chủ yếu phục vụ giải phóng mặt bằng). Thời gian thực hiện dự án từ năm 2020, cơ bản hoàn thành trong năm 2024, hoàn thành thủ tục đưa vào khai thác năm 2025.
Theo báo cáo của chủ đầu tư dự án, tính đến ngày 19/3/2023, giải phóng mặt bằng được 34,037/39,606 km đạt 86%; sản lượng thực hiện dự án khoảng 477,051/978,774 tỷ đồng đạt 48,74%. Đáng lưu ý, theo kế hoạch dự án cơ bản hoàn thành trong năm 2024. Tuy nhiên, hiện đã hết quý I/2024 nhưng sản lượng thực hiện dự án mới đạt khoảng 48,74% và giải phóng mặt bằng vẫn “ì ạch” do còn nhiều vướng mắc.
Cụ thể, đối với địa bàn huyện Cư Mgar (còn 13 hộ đang làm thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư); huyện Krông Pắc (còn 16 hộ chưa thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng trên tuyến và hệ thống mương dẫn hạ lưu) đang chờ UBND huyện phê duyệt đơn giá đất để có cơ sở áp giá, hoàn thiện phương án giải phóng mặt bằng và trình thẩm định phê duyệt; huyện Cư Kuin (còn 3 hộ thuộc mương dẫn hạ lưu chưa đền bù giải phóng mặt bằng). Đến nay, dự án đi qua địa bàn Cư Kuin chưa được phê duyệt điều chỉnh quy mô, quy hoạch sử dụng đến năm 2030 của huyện nên Trung tâm Phát triển quỹ đất chưa có cơ sở để tham mưu UBND ra thông báo thu hồi đất và thực hiện các công việc tiếp theo.
Đặc biệt, đối với địa bàn TP Buôn Ma Thuột, hiện còn 28 hộ đã phê duyệt phương án đền bù nhưng chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ với nhiều lý do khác nhau như: không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ với lý do đơn giá bồi thường, hỗ trợ về đất thấp. Một số hộ dân đã nhận tiền đền bù tuy nhiên không di dời, bàn giao mặt bằng; một số hộ không đủ cơ sở để lập phương án bồi thường, hỗ trợ; có 5 trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp sai vị trí, sai đối tượng, cấp chồng lấn…
Theo chủ đầu tư dự án, mặt bằng bị ngắt quãng không liên tục dẫn đến triển khai thi công gặp khó khăn. Do đó, đơn vị kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện Cư M’gar, Krông Pắc khẩn trương phê duyệt đơn giá đất để làm cơ sở lập phương án; huyện Cư Kuin phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh quy mô, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện đối với dự án tránh đông. Đồng thời, khẩn trương xây dựng, phê duyệt đơn giá đất để có cơ sở lập phương án đền bù.
Đối với những hộ dân còn vướng mắc, khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng ở TP Buôn Ma Thuột cần hướng có xử lý sớm để chủ đầu tư có cơ sở lập Phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho biết, Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh cũng đặt mục tiêu hoàn thành dự án trong năm 2024 để chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk (tháng 11/2024).
Trước những khó khăn của dự án, ông Phạm Ngọc Nghị yêu cầu chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với sở, ngành, địa phương để tháo gỡ những vướng mắc liên quan, nhất là trong giải phóng mặt bằng; đề nghị các đơn vị thi công phải tập trung nhân lực, trang thiết bị máy móc để đẩy nhanh tiến độ thi công khi có mặt bằng sạch; chính quyền các địa phương có dự án đi qua cần sớm hoàn thành thủ tục điều chỉnh quy mô, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, khẩn trương xây dựng, phê duyệt đơn giá đất để có cơ sở lập phương án đền bù nhằm gỡ “nút thắt” đối với giải phóng mặt bằng, đảm báo tiến độ thi công dự án.