Các công trình thủy lợi xuống cấp đã khiến việc điều tiết, cung cấp nước tưới cho sản xuất nông gặp nhiều khó khăn, hiện các địa phương quản lý các công trình này đang tích cực kiểm tra, duy tu, cũng như đảm bảo vận hành an toàn trong mùa mưa bão năm nay.
Tại công trình thuỷ lợi hệ thống kênh Lam và Trạm bơm Hoằng Khánh, thời gian qua, công trình này đã xuất hiện tình trạng hư hỏng, xuống cấp, dọc hai bên bờ kênh đã xuất hiện tình trạng sụt lún, nứt toác, trạm bơm do xây đã lâu cũng đã hoen rỉ, xuống cấp. Mặc dù nhà nước đã đầu tư sửa chữa đoạn từ k2 đến k4, thế nhưng vẫn còn nhiều chỗ hư hỏng chưa được tu sửa, điều nảy ảnh hưởng đến việc cấp nước tưới tiêu cho cho người dân các huyện Hoằng Hóa, thành phố Thanh Hóa và huyện Hậu Lộc.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thủy lợi Bắc sông Mã cho biết: “Công ty được giao cung cấp nước tưới tiêu trên địa bàn 6 huyện thị với gần 300 km kênh mương tưới, 836 cống nước nhỏ, 99 trạm bơm. Do nhiều công trình thuy lợi xây dựng đã lâu nên đã có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp; trong đó có công trình thủy lợi hệ thống kênh Lam, trạm bơm Hoằng Khánh, hiện nhà nước mới chỉ tu sửa được một đoạn, còn tại các vị trí xuống cấp khác vẫn chưa được tu sửa, ảnh hưởng đến việc vận hành, cung cấp nước tưới cho người dân. Thời gian tới, công ty sẽ chỉ đạo các chi nhánh trực thuộc có hệ thống kênh hư hỏng, phải thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, kiểm tra để đảm bảo vận hành mùa mưa bão, cũng như cung cấp nước tưới cho bà con gieo trồng”.
Tại công trình thủy lợi cống tiêu Quảng Châu và 50 km kênh mương nội đồng do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Sông Chu quản lý, được xây dựng năm 1976 có nhiệm vụ tiêu cho gần 14.000 ha đất sản xuất nông nghiệp tại các huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương và thành phố Thanh Hóa, sau nhiều năm sử dụng, nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp trầm trọng, giàn công tác, cột tời bị nổ bê tông, lòi thép, nhiều cột lan can bằng thép bảo vệ phần hạ lưu cống bị oxy hóa, đứt chân. Sàn bê tông hạ lưu bờ tả cống bị nứt vỡ, sụt lún.
Bên cạnh đó, mái lát đá thượng lưu tại vị trí hai tường cánh bị sạt lở nhiều vị trí; mái đá hạ lưu bị bong, lốc. Mặt bê tông bờ tả cống bị nứt vỡ, sụt lún… Toàn bộ tường, trần nhà của khu vực quản lý bị bong tróc vữa, ẩm mốc, hoen ố, gạch lát nền bị vỡ, hỏng.
Theo ông Cao Thế Sơn, Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Quảng Xương - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Sông Chu, công trình xây dựng và sử dụng lâu năm, thường xuyên tiếp xúc với nước nhiễm mặn nên dẫn đến hư hỏng.
Đặc biệt, việc vận hành cống tiêu, giàn công tác (dùng để kéo tời) thường xuyên bị rung lắc gây nguy hiểm cho cán bộ thủy nông trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Về phía công ty, sau khi kiểm tra công trình sau lũ 2024, đơn vị đã đề xuất với UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, để xin vốn sửa chữa.
Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa hiện có 2.524 công trình thủy lợi đầu mối; trong đó có 610 hồ chứa, 1.023 đập dâng, 891 trạm bơm. Hệ thống hạ tầng thủy lợi đã và đang phục vụ tưới, tiêu ổn định cho 310.000 ha đất gieo trồng cây hàng năm. Nhiều năm qua, việc quản lý và vận hành các công trình thủy lợi đều được các đơn vị, địa phương thực hiện tốt, cơ bản bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, đa phần công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đều đã được xây dựng lâu năm, không đồng bộ, việc đại tu, sửa chữa lại hạn chế, nên nhiều công trình đã xuống cấp, ảnh hưởng đến việc vận hành và cấp nước tưới tiêu cho người dân các địa phương.
Bà Nguyễn Thị Anh Nga, Phó chi cục trưởng, Chi cục Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Để đảm bảo an toàn vận hành các công trình thủy lợi, Chi cục thủy lợi đã chỉ đạo các công ty quản lý khai thác công trình thủy lợi, các huyện, thị, thành phố thường xuyên kiểm tra những các công trình bị hư hỏng, để bảo dưỡng, duy tu, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Ngay sau mùa mưa lũ, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục triển khai kiểm tra công trình để rà soát lại sự cố xảy ra trong mùa mưa lũ để đảm bảo cho công trình đảm bảo an toàn vận hành, hiệu quả”.
Để tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng thủy lợi, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đang phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đánh giá tình trạng của các công trình thủy lợi, từ đó đề xuất, xây dựng phương án sửa chữa, nâng cấp phù hợp.
Bên cạnh đó, với những diễn biến thời tiết khó lường như hiện nay, việc tỉnh Thanh Hóa chủ động phòng, đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi là rất cần thiết, giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra thiên tai.