Tỉnh Gia Lai cũng bị ảnh hưởng chung bởi tình hình dịch bệnh COVID-19, hạn hán khiến giá cả nông sản giảm thấp ảnh hưởng đến đời sống người dân. Do vậy, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai và các cấp cơ sở đã tăng cường triển khai các chương trình tín dụng, những chính sách sát với thực tế, gắn với giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Theo đó, UBND tỉnh và 17/17 huyện, thị xã, thành phố đều chuyển vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay trên địa bàn với tổng kinh phí 35,8 tỷ đồng.
Nguồn vốn giải ngân đúng đối tượng thụ hưởng, vốn vay được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả đã giúp cho hơn 3.600 lượt hộ nghèo, hơn 6.000 lượt hộ cận nghèo và hơn 5.000 lượt hộ mới thoát nghèo vay vốn đầu tư vào sản xuất. Đồng thời, nguồn vốn chính sách đã giải quyết việc làm cho hơn 3.300 lao động; giúp gần 1.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; xây dựng hơn 13.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cải tạo sữa chữa hơn 60 căn nhà cho hộ nghèo...
Tuy nhiên, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cũng gặp một số khó khăn trong việc thu hồi nợ do tình hình kinh tế gặp khó khăn nên nhiều hộ nghèo, các hộ dân tộc thiểu số đi làm ăn xa hoặc rời khỏi nơi cư trú khiến tổng nợ khoanh và nợ quá hạn đến 30/6 là 15 tỷ đồng, tăng gần 2 tỷ đồng so đầu năm 2020.
Ông Lê Văn Chí, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai cho biết, trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã tranh thủ nguồn vốn Trung ương, tập trung huy động nguồn vốn địa phương để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Ngân hàng cũng quyết liệt xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn, nợ bỏ đi khỏi nơi cư trú, nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan bằng phương pháp tra cứu thông tin tín dụng, phối hợp Bảo hiểm xã hội rà soát thông tin tham gia Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để nắm bắt thông tin nơi ở mới, có giải pháp xử lý thu hồi.