Thông qua các kênh thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội như Fanpage, Zalo, Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người lao động và các đơn vị sử dụng lao động lập danh sách những đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách để kịp thời hỗ trợ, đảm bảo không bỏ sót người lao động, người sử dụng lao động được thụ hưởng chính sách này.
Chị Rơ Ô H'Trưa, trú tại bôn Biah, xã Ia Tul, huyện Ia Pa cho biết, vợ chồng chị làm công nhân ở Đồng Nai. Đợt dịch bùng phát đầu năm 2021, gia đình chị đã trở về địa phương. Về nhà không có việc làm nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Được Bảo hiểm xã hội huyện Ia Pa cùng chính quyền địa phương đến tận nhà thông báo được hỗ trợ lao động thất nghiệp gia đình rất vui và cảm ơn Nhà nước đã quan tâm.
Từ khi dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến người lao động, Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai đã chủ động phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh cung cấp thông tin hoặc gửi tin nhắn trực tiếp thông báo về chính sách hỗ trợ cho người lao động, đặc biệt là người lao động trở về từ các tỉnh, thành phố phía Nam bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Chị Phạm Thị Kim Cúc, công nhân Công ty cổ phần Trường Xuân, thành phố Pleiku chia sẻ, sau khi bị tạm nghỉ việc, chúng tôi nhận được thông báo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai và công ty đã nhanh chóng lập danh sách. Nghĩ rằng sẽ mất thời gian dài nhưng chỉ vài ngày sau, toàn bộ lao động của công ty đã nhận được tiền hỗ trợ qua tài khoản. Tại thời điểm khó khăn này, nhận được 2-3 triệu đồng hỗ trợ, chúng tôi rất vui mừng.
Với tinh thần vào cuộc quyết liệt, Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai đã thành lập Ban Chỉ đạo để triển khai Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tham mưu cho tỉnh ra văn bản chỉ đạo các sở ngành, UBND các huyện chủ động tuyên truyền, phối hợp đưa Nghị quyết đến với người dân nhanh chóng và kịp thời nhất. Bảo hiểm xã hội tỉnh còn thành lập các đường dây nóng để các đơn vị, người lao động nếu có vướng mắc về hồ sơ thủ tục sẽ được trực tiếp hỗ trợ kịp thời.
Ngoài ra, để đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt, Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai còn phối hợp với các Ngân hàng lập bàn hỗ trợ ngay tại nơi tiếp nhận hồ sơ để mở tài khoản, giúp người lao động nhận tiền hỗ trợ qua tài khoản cá nhân một cách nhanh nhất. Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai triển khai việc tiếp nhận hồ sơ kể cả ngày nghỉ (thứ Bảy và Chủ nhật) để người lao động sớm được nhận tiền hỗ trợ, nhằm khẩn trương hoàn thành chính sách an sinh này.
Ông Lê Quốc Khánh, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai cho biết, mục tiêu của Bảo hiểm xã hội tỉnh là sớm hoàn thành chính sách hỗ trợ này một cách nhanh chóng, thuận lợi và chính xác nhất góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống; giúp người sử dụng lao động có thêm chi phí duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh và chuỗi cung ứng lao động, cung cấp việc làm tạo thu nhập cho người lao động.
Bằng nhiều biện pháp tích cực nhằm không bỏ sót đối tượng thụ hưởng chính sách bảo hiểm, đến hết năm 2021, tỉnh Gia Lai đã giải quyết hỗ trợ cho trên 48.000 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với số tiền hơn 120 tỷ đồng từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian tới, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát và hỗ trợ hết những lao động thuộc đối tượng này.