Với trên 76.000 lao động từ các tỉnh, thành phố về quê tránh dịch đã bổ sung thêm nguồn lực khá dồi dào vào thị trường lao động, giải được bài toán “khát” lao động nhiều năm nay. Còn người lao động đã giải tỏa được nỗi lo khi họ tìm được công việc ổn định ngay tại quê nhà.
Do ảnh hưởng của dịch, sau 18 năm đi làm việc tại Bình Dương, cách đây 4 tháng vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoa, xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, đã tìm được công việc ổn định tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn may mặc Trọng Phúc gần nhà. Mặc dù đã vào miền Nam gần 20 năm, nhưng vợ chồng chị vẫn rơi vào cảnh tạm bợ ở nhà thuê, con gửi về ông bà, hàng năm vợ chồng con cái chỉ gặp nhau được vài lần.
Khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở các tỉnh phía Nam, vợ chồng chị Hoa quyết định về quê. May mắn vợ chồng chị đã xin được vào công ty may gần nhà, trong đó chồng chị vì có kinh nghiệm nên đã được tuyển vào làm tổ trưởng tổ chuyền may. Hiện, cùng với tiền lương và tiền tăng ca, mỗi tháng thu nhập của anh chị được gần 20 triệu đồng. Số tiền hiện tại có thể chỉ bằng 2/3 so với làm tại các tỉnh phía Nam, nhưng anh chị thấy yên tâm vì công ty mới có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, vì được chuyển về gần nhà nên có điều kiện chăm sóc bố mẹ, con cái.
Trong gần nửa năm trở lại đây, rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Diễn Châu đã tuyển dụng được lao động trở về từ các tỉnh phía Nam, trong đó tập trung nhiều nhất là ngành may mặc. Việc có hàng nghìn lao động tại Diễn Châu và các huyện lân cận trở về cũng giúp các doanh nghiệp giải quyết được "bài toán" khó về thiếu lao động đã diễn ra trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là những lao động có kinh nghiệm, tay nghề.
Ông Đậu Trọng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn may mặc Trọng Phúc, huyện Diễn Châu, cho biết: So với những người chưa qua đào tạo thì lao động từ các tỉnh phía Nam trở về có nhiều lợi thế bởi họ có tác phong công nghiệp, đã làm quen nhiều với các dây chuyền máy móc hiện đại nên hầu như không phải đào tạo lại. Từ nay đến cuối năm 2021, Công ty cần khoảng 150 lao động, trong đó 50 lao động có tay nghề, nên rất muốn được tuyển dụng lao động hồi hương trở về. Công ty cũng có những chính sách như hỗ trợ miễn phí đào tạo nghề, hỗ trợ đưa đón và có khoảng 30 chỗ ở miễn phí cho những lao động có nhu cầu.
Theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Diễn Châu Nguyễn Thị Hồng Nhung, toàn huyện có hơn 8.000 lao động trở về, trong đó có 4.000 nhu cầu làm việc tại địa phương, 500 lao động có nhu cầu đi giao kết lao động ở nước ngoài và số còn lại mong muốn được đi làm việc ngoại tỉnh. Trên cơ sở nguyện vọng của người dân, đơn vị đã kết nối với các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng và giới thiệu việc làm cho người lao động. Hiện rất nhiều lao động sau khi hồi hương đã có việc làm ổn định tại quê nhà.
Bên cạnh những doanh nghiệp tuyển dụng lao động trực tiếp, cũng có hàng chục doanh nghiệp gửi các thông tin tuyển dụng lao động qua sàn giao dịch việc làm. Sau khi dịch được kiểm soát, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An bắt đầu triển khai các phiên giao dịch ở các địa phương và tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm trực tuyến để thu hút người lao động tham gia, đặc biệt hướng đến lao động bị mất việc làm, trở về quê tránh dịch.
Tham dự phiên giao dịch này, Công ty Cổ phần Dệt may Hoàng Thị Loan muốn tuyển dụng 50 lao động, trong đó có 40 công nhân vận hành máy sản xuất sợi và 10 công nhân phụ trợ với tiêu chuẩn khá đơn giản. Bên cạnh đó, Công ty có khá nhiều chính sách cho lao động có tay nghề hồi hương như bảo lưu bậc thợ đối với công nhân dệt sợi, cơ khí, điện, đã làm việc tại các công ty sợi, hỗ trợ học phí cho con học tại trường mầm non của Công ty, hỗ trợ tiền nhà ở cho công nhân ở xa…
Ông Phạm Văn Quyền, Phó Trưởng phòng Tổ chức Công ty Cổ phần Dệt may Hoàng Thị Loan thông tin, Công ty ưu tiên, khuyến khích tuyển dụng lao động có tay nghề với nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, nếu lao động không có tay nghề, Công ty sẽ đào tạo miễn phí và hỗ trợ thêm lương 4 triệu đồng/tháng.
Hiện lao động ở các địa phương về khá nhiều và Công ty hi vọng thông qua các phiên giao dịch việc làm sẽ kết nối được nhiều lao động và tuyển đủ nhân công cho đơn vị, đáp ứng được các đơn hàng sản xuất cuối năm. Cuối năm không phải là thời điểm "vàng" để tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, nhưng trước diễn biến di cư lao động trên địa bàn tỉnh nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ cơ hội để bổ sung vào nguồn lao động đang thiếu hụt hoặc chuẩn bị cho các dự án trong năm tới.
Ông Đinh Văn Phong, Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp và lao động – Khu Kinh tế Đông Nam cho biết, mặc dù dịch bệnh ảnh hưởng khá nhiều đến việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhưng nhu cầu việc làm tăng cao. Hơn thế, trong năm 2022, nhiều dự án lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An đi vào sản xuất; dự báo các doanh nghiệp cần khoảng 50.000 lao động, trong đó 60-70% nhu cầu nhân lực thuộc ngành dệt may, điện tử, phù hợp với lao động phổ thông. Ngoài ra, nhiều vị trí việc làm cho lao động kỹ thuật cao cần phải qua đào tạo.
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang cần lượng lớn lao động, cả lao động phổ thông và lao động có tay nghề cao, nên việc lao động về quê tránh dịch là nguồn lực tốt bổ sung cho các khu công nghiệp, nhà máy. Về phía người lao động, đây cũng là cơ hội để họ được “an cư lập nghiệp” tại quê nhà và sớm ổn định cuộc sống, từng bước vượt qua khó khăn vì dịch bệnh.