*Tại Long An: Theo Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Út, trong 6 tháng cuối năm 2024, tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai có hiệu quả quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch các dự án quan trọng được giao; theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc tiến độ Đồ án quy hoạch chung đô thị Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc; quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp; quy hoạch vùng huyện…
Bên cạnh đó, định kỳ hàng quý tham mưu tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Trong thực hiện công tác đấu thầu, mời thầu phải chặt chẽ, không được có sai sót; nghiêm túc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể có sai phạm.
Đồng thời, thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh, tăng cường triển khai công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát; thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, tăng giá bất hợp lý…
Chủ tịch UBND tỉnh Long An cũng giao nhiệm vụ cụ thể trên từng ngành, lĩnh vực cho các đơn vị, địa phương nhằm đảm bảo hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị, địa phương cần chấn chỉnh ngay các vướng mắc, tồn đọng trong công tác giải quyết các thủ tục hành chính; tập trung phát triển kinh tế gắn liền với đảm bảo an sinh xã hội…
Theo UBND tỉnh Long An, 6 tháng đầu năm 2024, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình kinh tế - xã hội của địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 của Long An đạt 5,26%; trong đó, khu vực 1 (nông, lâm, thủy sản) tăng 2,93%; khu vực (công nghiệp, xây dựng) tăng 5,54% và khu vực (thương mại, dịch vụ) tăng 6,46%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,05%. Đây là tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm cao nhất từ năm 2022 đến nay, điều này cho thấy tình hình kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ từ sau đại dịch COVID-19.
Một số lĩnh vực có kết quả khá tích cực như chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng qua từng tháng, 6 tháng đầu năm 2024 tăng 5,67%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt hơn 6,15 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt trên 3,75 tỷu USD, tăng 16,4%, nhập khẩu gần 2,4 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh Long An, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) ước 6 tháng đầu năm 2024 đạt 5,26% là mức tăng trưởng tích cực như chưa đạt như kỳ vọng, thấp hơn so với yêu cầu. Hoạt động sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn; số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn cao (từ đầu năm đến nay giải thế 118 doanh nghiệp, tăng 5%; 572 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 35% so với cùng kỳ); chỉ số sản xuất công nghiệp tuy có phục hồi nhưng tốc độ tăng còn thấp so với yêu cầu đề ra...
*Tại Đắk Lắk: Để các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024; đồng thời, phấn đấu tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95%, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện quyết liệt, chủ động, hướng dẫn xử lý kịp thời, hiệu quả những vướng mắc, khó khăn để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kiểm tra các dự án, chấn chỉnh ngay tồn tại, hạn chế, kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, rà soát, đôn đốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời đề xuất, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch vốn theo thẩm quyền giữa các dự án không có khả năng giải ngân hoặc chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn. Kho bạc Nhà nước Đắk Lắk thực hiện kiểm soát, thanh toán vốn cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân theo thời gian quy định; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư xử lý các vướng mắc phát sinh, rút ngắn thời gian kiểm soát chi…
Tổng kế hoạch đầu tư công năm 2024 tỉnh Đắk Lắk hơn 6.496 tỷ đồng; trong đó, vốn do tỉnh quản lý là hơn 4.559 tỷ đồng, đã giao chi tiết vốn đến từng dự án hơn 4.376 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch; còn lại chưa giao chi tiết vốn 182,99 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, kết quả giải ngân vốn đầu tư công tính đến ngày 17/6/2024, tỉnh đã giao chi tiết vốn đến từng dự án là hơn 4.376 tỷ đồng, giải ngân hơn 1.298 tỷ đồng, đạt 29,7% kế hoạch, cao hơn 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù kết quả giải ngân vốn đầu tư công có tín hiệu tích cực nhưng một số công trình, dự án trọng điểm của tỉnh đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, thiếu đất đắp cho công trình, việc phối hợp giữa các đơn vị trong triển khai thực hiện chưa thật sự hiệu quả…