Tỉnh Đồng Tháp hiện có 76 máy cấy và ứng dụng mô hình sản xuất ương mạ lúa trong khay để cấy, qua đó giảm lượng giống gieo sạ hơn 100 kg giống/ha, lợi nhuận cao hơn so với sạ lúa bằng tay.
Mô hình sản xuất mạ lúa để cấy thực hiện nhiều nhất là các huyện Tháp Mười,Tân Hồng, Tam Nông, Cao Lãnh sử dụng mạ để cấy lúa giúp giảm lượng giống, cấy đều, giảm lượng nhân công, phân bón giảm, ít bị sấu rầy chống đổ ngã khi vào mùa vụ Hè Thu và Thu Đông, năng suất cao hơn so với phương pháp sạ truyền thống.
Điển hình ở huyện Tháp Mười, có các xã Mỹ Đông, Mỹ Quý, Mỹ Hòa, Láng Biền, Đốc Binh Kiều có hàng nghìn ha áp dụng máy cấy lúa cho vụ Thu Đông 2022.
Chị Đỗ Thị Loan ở xã Mỹ Hòa cho biết, trước đây sử dụng biện pháp sạ hàng phải sử dụng 20 kg lúa giống/ 1.000 m2 nhưng hiện nay gieo mạ để cấy diện tích này chỉ sử dụng từ 6-8 kg lúa giống.
Bởi theo chị Loan, việc áp dụng 3ha lúa theo phương thức gieo mạ, cấy bằng máy không những chỉ giảm chi phí về giống mà lúa được cấy đều, ít rầy sâu xâm hại. Hơn nữa, lượng bón phân ít hơn, lúa ít đổ ngã vào mùa mưa bão và nhất là lúa cho năng suất cao hơn từ 100-120 kg/nghìn m2 so với ruộng sạ truyền thống.
Anh Nguyễn Văn Hải ở xã Láng Biển, huyện Tháp Mười có 2 ha cấy lúa bằng máy chia sẻ, trước đây gia đình sạ bằng tay phải sử dụng lượng giống từ 180-200 kg/ha, nhưng nay gieo mạ đưa đi cấy bằng máy chỉ sử dụng 60 kg lúa giống/ha. Do vậy gia đình tiết kiệm được hơn 280 kg lúa giống, sau khi thu hoạch cho năng suất cao hơn 1 tấn/ha so với phương pháp sạ thường.
Mỗi máy cấy lúa thay thế hơn 30 nhân công lao động, đồng thời giúp lúa cứng cây, ít sâu bệnh, không đổ ngã, chi phí giảm, lúa bán được giá cao, giảm thiếu hụt nhân công lao động ở địa phương, tác dụng của máy cấy lúa giúp cho việc xuống giống đồng loạt, hướng phát triển nông nghiệp theo cơ giới hóa, hiện đại hóa.
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông II, huyện Tháp Mười là điển hình trong việc ứng dụng hiệu quả mô hình cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 theo hướng đồng bộ cả một gói giải pháp kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa từ làm khâu đất, gieo sạ, bón phân thông minh (phân chậm tan), quản lý dịch hại, đến chăm sóc, thu hoạch và gắn liên kế tiêu thụ lúa của các công ty, doanh nghiệp.
Theo ông Ngô Phước Dũng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông II, diện tích sản xuất lúa 570 ha. áp dụng giảm lượng giống bằng hình thức gieo mạ cấy 60 kg/ha, giảm được 80kg/ha giống so với sản xuất truyền thống. Ngoài ra, cấy lúa bằng máy đã giúp nông dân giảm được lượng giống, dễ quản lý đồng ruộng, hạn chế sâu bệnh góp phần tạo diện mạo mới và từng bước hiện đại cho nông nghiệp của tỉnh.
Qua thực hiện mô hình ứng dụng máy cấy lúa tại các huyện Tháp Mười, Tân Hồng, Tam Nông, Cao Lãnh tăng thêm lợi nhuận cho nông dân, tùy theo điều kiện mùa vụ và kỹ thuật chăm sóc trong quá trình sản xuất, máy thường đạt công suất cấy 4 ha/ngày/máy. Việc sử dụng phương pháp cấy lúa bằng máy không chỉ giúp nông dân hạ giá thành trong sản xuất, mang lại lợi nhuận cao cho gia đình mà còn đưa ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào đồng ruộng từ khâu gieo sạ đến thu hoạch.
Thống kê cho thấy, mỗi năm tỉnh Đồng Tháp có gần 10 nghìn ha lúa cấy bằng máy. Việc cấy lúa bằng máy đang là nhu cầu rất lớn ở Đồng Tháp, vì giảm được giá thành sản xuất như giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm nhân công. Từ đó, góp phần tăng năng suất, lúa chất lượng cao, được liên kết sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa, lúa bán được giá lúa bán cao hơn so với sản xuất truyền thống từ 100-200 đồng/kg, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân .