Giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định sinh kế, ổn định thu nhập

Chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó chú trọng đào tạo nghề và tạo việc làm cho bà con. 

Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên - Huế hầu hết là người Tà Ôi, Bru - Vân Kiều, Cơ tu. Bà con chủ yếu sinh sống ở khu vực biên giới, vùng xa, vùng núi cao tại hai huyện Nam Đông và A Lưới.

Nghề nghiệp chính của họ là chăn nuôi, làm nương rẫy, trồng rừng, cây ăn trái, cao su. Các công việc này được làm theo mùa vụ, không ổn định. Bên cạnh đó, hạn chế về tập tục của người dân tộc thiểu số khiến nhiều bà con không gắn bó với công việc lâu dài.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm của phụ nữ dân tộc thiểu số. Ảnh: TTXVN phát

Chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó chú trọng đào tạo nghề và tạo việc làm cho bà con. Đào tạo nghề được coi là một trong những chính sách quan trọng nhằm giải quyết việc làm, ổn định sinh kế, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững; được quy định tại Tiểu dự án 3: Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Dự án 5, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của TTCP".

 Hiệu quả từ các lớp đào tạo nghề

Lớp học may do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nam Đông tổ chức tại Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, đã thu hút đông đảo chị em đồng bào dân tộc Cơ tu đến lớp học nghề.

Ngoài trang thiết bị là máy chiếu, vi tính và một số bàn máy may, đơn vị còn bố trí nhiều giáo viên tay nghề cao, mời giáo viên dày dặn kinh nghiệm từ các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn đến đào tạo cho chị em.

Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nam Đông Trần Văn Phúc cho biết, sau khi tốt nghiệp, các học viên đến công ty để tiếp cận, thử nghiệm dây chuyền sản xuất. Từ đó, các công ty sẽ đánh giá, công nhận tay nghề và nhận học viên vào làm việc ngay nếu đáp ứng yêu cầu công việc. Qua các lớp đào tạo, nhiều chị em được tuyển dụng vào vị trí làm việc phù hợp, với thu nhập ổn định.  

Những năm gần đây, các chương trình đào tạo nghề cho bà con được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nam Đông tổ chức khá linh hoạt. Các ngành nghề đào tạo được điều chỉnh để thích nghi nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn. Theo đó, các ngành nghề chăn nuôi, chăm sóc cao su và may mặc đang được chú trọng đào tạo. 

Theo Chương trình mục tiêu quốc gia, nhiệm vụ Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 của huyện Nam Đông bao gồm dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Thời gian tới, Trung tâm đề xuất lãnh đạo huyện và liên kết các đơn vị đào tạo mở một số lớp dạy nghề liên quan du lịch và văn hóa của đồng bào như chế biến món ăn, pha chế, thuyết minh viên, dệt zèng, điêu khắc. Như vậy, bà con không chỉ là cầu nối quảng bá bản sắc văn hoá, nét đẹp thiên nhiên của địa phương đến du khách thập phương mà còn có thể cải thiện, làm chủ được kinh tế, ông Trần Văn Phúc cho hay. 

Hiệu quả từ các lớp học đào tạo nghề góp phần giảm tình trạng người dân ly hương và giúp họ ổn định sinh kế trên chính mảnh đất quê hương. Trên địa bàn huyện Nam Đông, chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kim Sora (Khu công nghiệp Hương Hòa) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Viên nén Renen (xã Hương Phú) đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Trong đó, khoảng 45% lao động là đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Đông Lê Thanh Hồ, hiện nay đã có các đề án về du lịch cộng đồng và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp phục vụ sản phẩm nông nghiệp, du lịch tại địa phương. Do đó, huyện xây dựng kế hoạch phối hợp với Trường Cao đẳng Du lịch Huế mở lớp học nghề cho lao động, phục vụ điểm du lịch cộng đồng, sinh thái trên địa bàn. Bên cạnh đó liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với Tập đoàn Quế Lâm (Thừa Thiên - Huế) nhằm tái cơ cấu ngành Nông nghiệp với nghề chăn nuôi tập trung hữu cơ, trồng cam, dứa, chuối.

Tự tin áp dụng kiến thức học được vào thực tế

Ngôi nhà khang trang của chị Nguyễn Thị Duyên (thôn Tà Lù, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông) với mái ngói, tường xi măng kiên cố nổi bật giữa những ngôi nhà bằng ván, gỗ trong vùng. Kết quả này là nhờ sự cố gắng của các thành viên trong gia đình chị những năm qua.

Chị Duyên dù đã lớn tuổi, nhưng vẫn cố gắng thu xếp việc nhà để đều đặn đến lớp học chăn nuôi của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nam Đông.

Trở về từ lớp đào tạo nghề, chị Duyên tự tin áp dụng kiến thức học được vào thực tế chăn nuôi tại gia. Nếu như trước đây, chị mất khoảng một năm để đàn lợn được xuất chuồng, hiện nay, chỉ cần 3-4 tháng các thương lái đã đến hỏi mua. Mỗi lứa lợn xuất chuồng đem lại hàng chục triệu đồng cho gia đình chị. Hiện chị đang mở rộng quy mô chăn nuôi, xây dựng thêm chuồng trại, phát triển đàn lợn.

Chú thích ảnh
Mô hình chăn nuôi heo đem lại thu nhập ổn định cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số
huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Mai Trang/TTXVN

 UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, tỉnh xác định đến năm 2025, có trên 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; giải quyết được việc làm 60-70% trong số lao động được đào tạo nghề. Định hướng đến 2030, địa phương có tỷ lệ lao động qua đào tạo 55% và đào tạo có văn bằng chứng chỉ 40%; giải quyết việc làm từ 75-80% trong số lao động qua đào tạo.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Hữu Phước, để đạt được những mục tiêu trên, đơn vị sẽ hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng một số hạng mục công trình nhà xưởng, phòng học… đồng thời mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy nghề.

Song song đó, duy trì, mở rộng các ngành nghề nông nghiệp trồng cây ăn trái, chăn nuôi, mây tre đan… gắn bó lâu năm với bà con, khai thác thêm ngành nghề phi nông nghiệp đáp ứng xu thế, định hướng phát triển sắp tới của tỉnh.

PV
Nông dân Trà Vinh chuyển hướng chăn nuôi khi giá tôm giảm thấp
Nông dân Trà Vinh chuyển hướng chăn nuôi khi giá tôm giảm thấp

Nhiều nông dân ở vùng ven biển thuộc các huyện Cầu Ngang, Duyên Châu Thành, Trà Cú, thị xã Duyên Hải của tỉnh Trà Vinh hiện không thả nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng ở vụ thứ 2 để chuyển sang nuôi các loại thủy sản khác vì giá tôm thương phẩm vẫn tiếp tục giảm thấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN