Như vậy, sau 1 tuần, số xã, phường, thị trấn “vùng vàng” của tỉnh Hà Nam đã giảm 16 đơn vị.
Theo Sở Y tế Hà Nam, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn đã giảm mạnh từ hơn 2.000 ca/ngày xuống khoảng 1.000 ca/ngày. Tính từ ngày 1/1 đến trưa 3/4, tỉnh Hà Nam đã ghi nhận hơn 74.200 ca mắc COVID-19; trong đó gần 66.400 người đã khỏi bệnh; hiện còn hơn 7.700 trường hợp F0 đang điều trị tại bệnh viện dã chiến, các cơ sở thu dung điều trị COVID-19 và điều trị tại nhà. Tỉnh cũng đã ghi nhận 66 bệnh nhân COVID-19 tử vong. Đây là những trường hợp cao tuổi, có nhiều bệnh nền và đa số chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 do sức khỏe không đảm bảo.
Thời gian qua, các trạm y tế xã, phường, thị trấn trong tỉnh Hà Nam đã nỗ lực phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác phòng, chống dịch tại cơ sở. Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về các biện pháp chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch, các trạm y tế đã đẩy mạnh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân.
Đến nay, tỉnh Hà Nam có hơn 1,7 triệu lượt người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm vaccine phòng COVID-19, trong đó hơn 572.300 người tiêm mũi 3, đạt tỷ lệ 93,4%. Trên 95% dân số trong nhóm tuổi 12-17 của tỉnh Hà Nam cũng đã tiêm mũi 2 vaccine phòng COVID-19. Tất cả các trường hợp tiêm vaccine phòng COVID-19 tại tỉnh Hà Nam đều được áp dụng đúng quy trình tiêm chủng của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn.
Nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, UBND tỉnh Hà Nam đã có công văn chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm công thức “5K + vccine, thuốc điều trị + các biện pháp điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác” nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, không để quá tải hệ thống y tế, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng nhân dân; đẩy mạnh tiêm chủng, rà soát, vận động không để sót, lọt đối tượng trong chỉ định tiêm; rà soát số lượng cụ thể và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay khi vaccine được phân bổ.
Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị trong tỉnh cần làm tốt công tác hướng dẫn chăm sóc, quản lý F0 tại nhà và quản lý, xử lý rác thải đối với F0 cách ly tại nhà theo đúng quy định; tăng cường theo dõi, kiểm soát hiệu quả các đối tượng có nguy cơ cao; tiếp tục tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở, trong đó đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực và tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế và các lực lượng hỗ trợ bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong phòng, chống dịch ngay từ cơ sở, phù hợp điều kiện cụ thể tại cơ sở.