Theo đó, các huyện, thị, thành phố rà soát kỹ tất cả các vị trí có nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu để kịp thời thông báo cho người dân chủ động phòng tránh có hiệu quả.
Tại các địa phương có nguy cơ cao về ngập, lụt, vùng trũng, vùng hạ du hồ, đập, chính quyền và lực lượng chức năng rà soát các hộ dân có số điện thoại chủ hộ để sẵn sàng liên lạc, ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. Bên cạnh đó lực lượng "bốn tại chỗ” chủ động các phương án để ứng phó kịp thời khi bão, lũ, thời tiết cực đoan xảy ra, cùng với đó chuẩn bị, dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết.
Các đơn vị liên quan triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình hồ đập, đặc biệt là các hồ chứa vừa và nhỏ đã xuống cấp, các tuyến đê xung yếu; chủ động điều tiết các hồ chứa, không để bị động khi có mưa, lũ xảy ra.
Hiện tại, nước lũ đang rút dần, các cấp chính quyền cùng với các lực lượng quân đội, công an, các tổ chức đoàn thể tập trung làm vệ sinh môi trường, giúp nhân dân, trường học thau chùi nhà cửa, trường lớp. Lực lượng y tế tổ chức phun hóa chất, khử độc, tiêu trùng ngăn chặn dịch, bệnh có thể bùng phát sau lũ.
Nhân dân các huyện ven biển Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh đã đưa tàu thuyền vào âu thuyền tránh trú áp thấp và bão số 9.
Theo Tiểu ban an toàn nghề cá trên biển, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 3.957 phương tiện tàu, thuyền với 14.932 lao động đã biết thông tin, đường đi của áp thấp và cơn bão số 9, chủ động về nơi tránh trú an toàn.
Để đối phó với áp thấp nhiệt đới và bão số 9 kèm theo lượng mưa lớn, Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã thông báo về tăng lưu lượng xã tràn hồ chứa nước Kẽ Gỗ từ 250m3/s tăng lên 400m3/s vào sáng 26/10.
Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh đề nghị các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh và các xã chịu ảnh hưởng khẩn trương đôn đốc, hướng dẫn đảm bảo các biện pháp an toàn cho người và tài sản cho nhân dân trong vùng.