Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất; đảm bảo an toàn, không để xảy ra dịch bệnh trong các doanh nghiệp, nhất là trong các khu công nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Hải Dương sớm hoàn thành đề án phát triển nông nghiệp và xây dựng, xúc tiến 10 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương tích cực giải phóng mặt bằng để thực hiện các công trình trọng điểm, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và phải tiến hành báo cáo tiến độ giải phóng mặt bằng từng tuần.
Sau khi ban hành nghị quyết chuyên đề về “cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025”, Bí thư Phạm Xuân Thăng yêu cầu UBND tỉnh Hải Dương rà soát, đôn đốc, xử lý các hồ sơ đầu tư còn tồn đọng; chủ động theo dõi, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đã có chủ trương đầu tư; nỗ lực cải thiện chỉ số PCI và giảm một nửa thời gian cho các dự án chuẩn bị đầu tư; tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền gắn với tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền, các sở, ngành trong các lĩnh vực quản lý liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.
Hải Dương cũng tập trung bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương làm tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đối với từng sở, ngành địa phương.
Đặc biệt, tỉnh xây dựng quy chế phối hợp giữa các sở, ngành về trình tự, thủ tục đầu tư; giao trách nhiệm cho người đứng đầu các các sở, ngành, địa phương trong việc cấp phép đầu tư dự án và yêu cầu công khai các trình tự, thủ tục đầu tư của từng loại dự án.
Ông Phạm Xuân Thăng đề nghị UBND tỉnh tiếp tục duy trì ban chỉ đạo, tổ công tác cải thiện PCI và lập một tổ công tác đặc biệt, để tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và các dự án lớn. Đồng thời, Hải Dương sẽ thành lập các nhóm doanh nghiệp để thường xuyên gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với các Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh; thành lập các câu lạc bộ của các doanh nghiệp theo từng nước hoặc khu vực để tạo sự gắn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp.
Hải Dương tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến, giới thiệu đầu tư; ban hành quy định về khuyến khích thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Hải Dương cũng tập trung vào công tác quy hoạch và coi đây là chìa khóa để thu hút, quản lý đầu tư có hiệu quả và đầu tư phát triển bền vững. Trong năm 2021, tỉnh sẽ hoàn thành lập quy hoạch tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và công khai để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; hoàn thiện vị trí việc làm trong các cơ quan, đơn vị; có tiêu chí đánh giá cụ thể kết quả thực hiện của các bộ công chức, nhất là người đứng đầu làm căn cứ cho việc quy hoạch, đào tạo, phân công, bổ nhiệm cán bộ….
Đến năm 2025, Hải Dương phấn đấu là 1 trong 20 tỉnh, thành phố có thứ hạng cao nhất về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong phạm vi cả nước và là 1 trong 5 tỉnh có thứ hạng cao nhất về chỉ số PCI trong khu vực vùng Đồng bằng sông Hồng; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng bình quân 15%/năm; tỷ lệ vốn đầu tư phát triển đạt bình quân 35,4%/năm.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương, trong những tháng đầu năm 2021, tuy phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhưng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tăng gần 4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đáng chú ý là giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước tăng 6,9%; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 248 triệu USD, tăng 5,4%. Tổng thu ngân sách đạt trên 8.800 tỷ đồng, tăng 19,7%. Giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 1.400 tỷ đồng, bằng 36% kế hoạch vốn. Toàn tỉnh có 172/178 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 96,6%); 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.