Phát biểu tại buổi làm việc, bà Trịnh Thúy Nga, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách tiếp thu các kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường; đồng thời đề nghị Sở rà soát lại các nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung về bảng giá đất trước khi trình HĐND tỉnh phê duyệt.
Đối với việc thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình, bà Trịnh Thúy Nga đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương rà soát, xem xét lại thật kỹ các công trình, dự án để tránh việc khi đã được thông qua nhưng lại không thực hiện dẫn đến lãng phí tài nguyên đất. Các cơ quan chức năng cần xây dựng tiêu chí, nguyên tắc chung trong việc phê duyệt các dự án, công trình như cần ưu tiên cho các công trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng các cấp; các dự án đã có chủ trương đầu tư hoặc các dự án giao thông, dự án vì lợi ích quốc gia, công cộng. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát lại quy hoạch các khu, cụm dân cư mới để tránh việc thông qua tràn lan các khu đô thị, dân cư trong thời gian tới.
Theo ông Hoàng Văn Thực, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, kế hoạch sử dụng đất được duyệt năm 2021 trên địa bàn tỉnh là 2.034 công trình, dự án với diện tích trên 8.198 ha. Dự kiến đến hết tháng 12, Hải Dương sẽ thực hiện được 1.096 công trình, dự án với diện tích hơn 4.118 ha, đạt 50,2% kế hoạch.
Để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm 2021, Sở đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai và công bố công khai kế hoạch sử dụng đất năm 2021; trong đó, công khai các dự án cho thuê đất, các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng và các điểm dân cư để đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn để xây dựng nông thôn mới đối với các xã đã về đích năm 2021. Chính quyền các địa phương đã chủ động phối hợp với các chủ đầu tư tích cực triển khai, thực hiện công tác thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án theo đúng kế hoạch và chỉ tiêu sử dụng đất đã được HĐND chấp thuận thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích đất trồng lúa và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế trong kế hoạch sử dụng đất là công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của một số dự án còn vướng mắc. Một số dự án sản xuất kinh doanh, xây dựng khu đô thị, nông thôn tiến độ triển khai xây dựng của chủ đầu tư còn chậm. Một số công trình xây dựng hạ tầng nông thôn mới ở một số địa phương giải phóng mặt bằng chậm do thiếu vốn.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là do các địa phương vẫn nặng tâm lý đề xuất danh mục công trình, dự án mang tính chất đón đầu, chưa sát với thực tế, chưa sát với chương trình xây dựng nông thôn mới dẫn đến khi triển khai thiếu vốn. Huy động vốn từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất ở một số địa phương gặp khó khăn do kích cầu gây ảo giá bất động sản trên thị trường. Một số công trình, dự án cấp quốc gia, cấp tỉnh phân bổ vốn chậm, kéo dài nhiều năm. Một số nhà đầu tư thiếu tích cực, thiếu vốn, tình hình kinh tế khó khăn do dịch bệnh kéo dài. Việc tuyên truyền, vận động, chủ động giải quyết những vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn chưa được các địa phương tích cực đề xuất tháo gỡ...
Năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị HĐND tỉnh chấp thuận thu hồi trên 9.031 ha đất để thực hiện 913 dự án, công trình phát triển kinh tế, xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Sở cũng đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng trên 1.707 ha đất trồng lúa; 0,4 ha đất rừng phòng hộ; 0,2 ha đất rừng đặc dụng, để thực hiện 850 dự án, công trình.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện các dự án, công trình đang thực hiện dở dang để hoàn thành thủ tục đất đai; chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn, chính quyền các xã, phường tiếp tục tập trung nguồn vốn, tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng, tích cực triển khai các công trình, dự án xây dựng nông thôn mới đã được HĐND chấp thuận thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa.
Đối với các dự án cho thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chính quyền các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tạo điều kiện cho chủ đầu tư thực hiện thỏa thuận với người sử dụng đất, hoàn thành việc đền bù giải phóng mặt bằng để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bàn giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cơ quan chức năng rà soát danh mục các dự án, công trình đã đưa vào kế hoạch nhưng chưa triển khai để đề nghị bố trí nguồn vốn theo kế hoạch, khẩn trương thực hiện các thủ tục về đất đai; rà soát, kiểm tra, đôn đốc các dự án đã được chấp thuận đầu tư, cấp phép đầu tư thực hiện thủ tục đất đai theo đúng quy định; thu hồi các dự án quá thời hạn theo quy định; phối hợp với Sở trong công tác thu hồi đất, thẩm định phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật.
Qua rà soát, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị hủy bỏ 29 dự án với tổng diện tích hơn 37 ha đã được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và chấp thuận thu hồi đất nhưng chưa thực hiện.
Cũng tại buổi giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị ban hành bảng giá đất (điều chỉnh, bổ sung) giai đoạn 2020-2024 trên địa bàn tỉnh.
Chiều cùng ngày, Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Hải Dương đã làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thẩm định tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình về việc chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án Đầu tư xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với Quốc lộ 37.
Theo đó, Hải Dương dự kiến chuyển trên 3,9ha rừng đặc dụng tại khoảng 8, 9, 11 thuộc tiểu khu 10, xã Lê Lợi, thành phố Chí Linh sang rừng sản xuất do diện tích này chủ yếu trồng các loại cây như: thông, keo, vải; chuyển trên 3,9 ha đất rừng phòng hộ tại lo5, khoảnh 3, tiểu khu 2 thuộc xã Hoàng Hoa Thám, thành phố Chí Linh sang rừng đặc dụng vì diện tích rừng này nằm trong quần thể Khu di tích chùa Thanh Mai; chuyển trên 5 ha rừng sản xuất để thực hiện dự án “Đầu tư xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với Quốc lộ 37, thành phố Chí Linh” đã được HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 12/7/2021.
Về nội dung này, bà Trịnh Thúy Nga, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách tiếp thu các kiến nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đề nghị Sở tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn hoàn chỉnh các hồ sơ đề nghị chuyển đổi rừng để trình HĐND quyết định trong kỳ họp sắp tới.
Kinh tế Hải Dương tăng tốc ấn tượng trong nửa cuối năm
Cùng ngày 29/11, tại cuộc làm việc của Ban Kinh tế - Ngân sách, Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương với Sở Kế hoạch và Đầu tư, bà Trịnh Thúy Nga, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương đã đánh giá kinh tế Hải Dương tăng trưởng ấn tượng.
Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, đến cuối tháng 11, tỉnh đã cơ bản đạt các mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021 đề ra. Trong đó, đạt và vượt 9/14 chỉ tiêu chủ yếu, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tăng 8,58% (theo kế hoạch là 8%). Thu ngân sách nhà nước ước đạt 19.290 tỷ đồng, riêng thu trong nước đạt 16.703 tỷ đồng. Hải Dương có 14/16 khoản thu ngân sách đạt, vượt dự toán. Hoạt động ngân hàng đảm bảo ổn định. Các ngành sản xuất chủ lực đang phục hồi. Các hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực đạt kết quả khả quan. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác phòng chống dịch được thực hiện quyết liệt, hiệu quả, hạn chế sự lây lan dịch bệnh.
Bà Trịnh Thúy Nga cho rằng, đây là những con số tăng trưởng ấn tượng trong tình hình dịch COVID-19 và khó khăn chung của toàn quốc. Các ý kiến đại biểu tại cuộc làm việc đều nhận định năm 2021 là một năm Hải Dương đã vượt khó, tăng tốc, đặc biệt là giai đoạn 6 tháng cuối năm.
Năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương xây dựng dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với 15 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn là 9%, thu ngân sách nội địa tăng 10%, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 15%, giá trị sản phẩm/ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 183 triệu đồng, tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ đạt 28,3%...
Tham gia góp ý dự thảo, lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại cuộc làm việc, cập nhật số liệu của các sở, ngành, thống nhất và bổ sung thêm một số nội dung trong các phần mục tiêu, giải pháp. Trong đó, tập trung các giải pháp như: Thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu phòng chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế; đẩy mạnh chuyển đổi số vào các ngành, các lĩnh vực; có chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất, nâng cao hiệu lực đầu tư công; có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Cũng tại cuộc làm việc, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương báo cáo đề nghị sửa đổi Nghị quyết 19/2020/NQ-HĐND về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025; Dự kiến phương án phân bổ vốn đầu tư công vốn ngân sách địa phương năm 2022 và một số nội dung quan trọng khác.
Lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách, Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến tại cuộc làm việc, tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các dự thảo nghị quyết, tờ trình để chuẩn bị trình Kỳ họp Hội đồng nhân dân sắp tới.