Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, hiện nay, trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, các địa phương có rừng như thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn đang có tốc độ phát triển nhanh, nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn rất lớn.
Điều này đặt ra trọng trách ngày càng cao đối với nhiệm vụ, vai trò tham mưu của kiểm lâm thời gian tới. Lực lượng kiểm lâm tỉnh tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, nhân dân về pháp luật và các chính sách về bảo vệ, phát triển rừng.
Chi cục Kiểm lâm Hải Dương phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong đấu tranh, phòng ngừa, phát hiện sớm, xử lý nghiêm đúng quy định của pháp luật các hành vi vi phạm, không để xảy ra điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng, cháy rừng và các tụ điểm về kinh doanh, buôn bán lâm sản và động vật hoang dã trái phép.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng chỉ đạo các Hạt kiểm lâm có rừng như Hạt Kiểm lâm Kinh Môn, Hạt Kiểm lâm Chí Linh tăng cường tham mưu cho các địa phương thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về quản lý nhà nước về lâm nghiệp trên địa bàn.
Ông Phạm Hồng Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hải Dương cho biết, để đạt mục tiêu đến năm 2030 nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 5,6% kiểm lâm Hải Dương sẽ tập trung triển khai có hiệu quả đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, có Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chương trình, đề án về lâm nghiệp khác.
Chi cục Kiểm lâm Hải Dương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các chủ rừng và các cơ quan liên quan trên địa bàn tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm hành chính trong quản lý bảo rừng nhằm bảo đảm chấp hành pháp luật trong công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Để bảo vệ rừng tại gốc, Kiểm lâm Hải Dương sẽ tăng cường lực lượng kiểm lâm phụ trách xã, phường, làm tốt công tác khuyến lâm, hướng dẫn chủ rừng sản xuất, kinh doanh nghề rừng, xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế vườn rừng có hiệu quả cao và phù hợp với thực tế địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong bảo vệ rừng, theo dõi diễn biến rừng, phòng cháy, chữa cháy.
Trước những khó khăn thách thức mới, theo ông Phạm Hồng Hải, Chi cục kiểm lâm Hải Dương sẽ tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cho cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Cùng với đó, xây dựng lực lượng, thực hiện chế độ chính sách tốt đối với lực lượng kiểm lâm và tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền và các cấp có thẩm quyền để nâng cao vai trò, địa vị pháp lý cho lực lượng kiểm lâm. Đồng thời, gắn trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và khai thác lâm sản khi bình xét hoàn thành nhiệm vụ đối với cán bộ lãnh đạo, công chức.
Lực lượng kiểm lâm Hải Dương được chia thành 3 cấp: cấp chi cục, cấp hạt và tương đương gồm Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng, Hạt kiểm lâm Chí Linh, Hạt Kiểm lâm Kinh Môn, Hạt Kiểm lâm thành phố Hải Dương, các phòng chuyên môn và 3 trạm kiểm lâm.
Hiện nay, toàn tỉnh Hải Dương có hơn 11.000ha rừng và đất lâm nghiệp. Toàn bộ các diện tích rừng đều gắn liền và tôn tạo cảnh quan cho các khu di tích. Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ đạt 5.940ha, chủ yếu là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Năm 2022, độ ổn định và che phủ rừng đạt 5,3%.
Tại buổi lễ, ông Phạm Hồng Hải vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong công tác từ năm 2018-2022 góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều cá nhân, tập thể được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương.