Đây là dịp tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình.
Hội thi năm nay thu hút 71 thành viên của 12 Câu lạc bộ tiêu biểu đại diện cho 12 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Ông Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng phòng quản lý văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương), Trưởng Ban giám khảo cho biết: Nội dung thi tập trung tìm hiểu về quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực gia đình như: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em…
Cùng với đó, trao đổi kiến thức xã hội, kỹ năng xử lý các tình huống liên quan đến công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, kỹ năng sống trong gia đình nhiều thế hệ, tôn vinh giá trị tốt đẹp của các mối quan hệ trong gia đình, phát huy những giá trị đạo đức, phong tục tập quán tốt đẹp của quê hương, đất nước trong xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc và phát trển bền vững.
Kết thúc Hội thi, Ban tổ chức đã trao giải A cho 2 đơn vị là thành phố Chí Linh và huyện Tứ Kỳ, 4 giải B, 6 giải C cho các đơn vị có thành tích xuất sắc. Ban tổ chức còn trao giải cho các đội xuất sắc nhất tại từng phần thi; trao phần thưởng cho hội viên cao tuổi nhất và hội viên nhỏ tuổi nhất tham gia hội thi.
Từ năm 2008, Hải Dương chọn xã Kỳ Sơn, huyện Tứ Kỳ để làm điểm triển khai mô hình các giải pháp can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó, thành lập ban chỉ đạo cấp xã, ban chủ nhiệm, các câu lạc bộ, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình. Mô hình này đã tạo sự chuyển biến tích cực trong cộng đồng dân cư.
Ngay sau khi thành lập, chỉ trong 1 năm, Ban chỉ đạo xã, các nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, tổ tư vấn đã can thiệp, hòa giải thành công trên 30 vụ mâu thuẫn gia đình. Mô hình đã tác động tích cực đến nhận thức của bà con trong xã và huyện. Từ một địa phương thường xuyên xảy ra bạo lực gia đình, sau khi có mô hình, các vụ bạo lực gia đình ở xã Kỳ Sơn đã giảm hẳn về số lượng cũng như mức độ nghiêm trọng.
Từ kết quả ban đầu, đến năm 2010- 2011, mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tiếp tục được nhân rộng ra các huyện Tứ Kỳ, Nam Sách, Ninh Giang, Cẩm Giàng, Thanh Miện và thành phố Hải Dương bằng nguồn kinh phí của tỉnh. Các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình đi vào nền nếp, ngăn chặn kịp thời hàng trăm vụ bạo lực gia đình, góp phần ổn định trật tự trong khu dân cư.
Không dừng lại ở các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, Hải Dương cũng triển khai các mô hình thuộc Đề án "Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam” gồm: mô hình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và mô hình của Ban chỉ đạo "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh Hải Dương.
Từ đây, các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình và tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam được gọi bằng tên chung là “Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững”. Các câu lạc bộ này sinh hoạt mỗi tháng một lần, lồng ghép văn hóa, văn nghệ với tuyên truyền luật pháp, chính sách về hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các kỹ năng ứng xử, giữ gìn hạnh phúc gia đình...