Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăng đã gửi thông điệp từ lãnh đạo tỉnh Hải Dương tới các nhà đầu tư: “Hải Dương luôn đồng hành với doanh nghiệp và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ thu hút các nhà đầu tư thứ cấp sớm lấp đầy các khu công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho doanh nghiệp và sự phát triển của tỉnh".
Cũng theo ông Thăng, Hải Dương đang quy hoạch phát triển thêm từ 10 - 15 khu công nghiệp mới với tổng diện tích khoảng 5.000 ha để Hải Dương thực sự là một địa phương có sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư.
Tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã trao quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho 4 chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng, An Phát 1, Gia Lộc, Kim Thành và trao quyết định thành lập 4 khu công nghiệp của UBND tỉnh Hải Dương gồm: Khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng, Khu công nghiệp An Phát 1, Khu công nghiệp Gia Lộc và Khu công nghiệp Kim Thành.
Được biết, đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chủ trương đầu tư 4 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương, với tổng diện tích khoảng 760 ha gồm: Khu công nghiệp An Phát 1 (180 ha), Khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng (214,57 ha), Khu công nghiệp Gia Lộc (197,94 ha) và Khu công nghiệp Kim Thành (164,98 ha).
Khởi đầu từ năm 2003, tỉnh Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ cho phép quy hoạch và thành lập 3 khu công nghiệp, với diện tích 320 ha; đến nay, tỉnh Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận 18 khu công nghiệp, với tổng diện tích 3.517 ha. Hiện, Hải Dương đang có 14 khu công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích 2.567 ha.
Trong 14 khu công nghiệp đã được thành lập, Hải Dương đã có 11 khu công nghiệp hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng và đang hoạt động với tổng diện tích là 1.732ha; tỷ lệ lấp đầy bình quân các khu công nghiệp đạt 82% trên tổng diện tích đất công nghiệp đã được bàn giao; suất đầu tư đạt trên 6 triệu USD/ha đất công nghiệp; thu hút 12 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 9.120 tỷ đồng.
Đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được trên 300 dự án của các nhà đầu tư đến từ 21 quốc gia và vùng, lãnh thổ; trong đó, 235 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 4,7 tỷ USD và 64 dự án đầu tư 100% vốn trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 17.666 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 108.000 lao động, hàng năm nộp ngân sách trên 1.700 tỷ đồng. Các dự án đầu tư vào khu công nghiệp hầu hết có vốn bình quân gần 18 triệu USD/dự án.
Ông Phạm Xuân Thăng cho biết, cùng với việc xây dựng, phát triển các khu công nghiệp, trong thời gian tới, tỉnh Hải Dương cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đồng thời, cũng thu hút đầu tư một cách có chọn lọc hơn vào các khu công nghiệp, với mong muốn nâng cao tỷ suất đầu tư trên một đơn vị diện tích và hàm lượng khoa học và công nghệ cao hơn trong dòng vốn đầu tư.
Ông Phạm Xuân Thăng đề nghị việc đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành các khu công nghiệp của tỉnh Hải Dương phải thực sự có sự thay đổi về tư duy, cách thức xây dựng và quản lý như: khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp đô thị - dịch vụ… nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư đa dạng của các nhà đầu tư, đặc biệt là tạo ra một hệ sinh thái có tính chất cộng sinh giữa các doanh nghiệp trong một khu công nghiệp tạo ra những giá trị mới làm tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Cùng với đó, các chủ đầu tư các khu công nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng đầu tư hạ tầng, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, quản lý chuyên nghiệp, có giá thuê hạ tầng cạnh tranh với các địa phương khá
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái khẳng định, với sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp trên địa bàn đã tạo ra hệ sinh thái công nghiệp có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển kinh tế của tỉnh, thu hút được nhiều dự án của các tập đoàn lớn từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc,... đến đầu tư.
“Các dự án này đã hoạt động có hiệu quả, tạo động lực để các doanh nghiệp trong nước học tập những thành tựu mới nhất về khoa học công nghệ, về tổ chức và quản trị doanh nghiệp; bước đầu tạo ra mạng lưới dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ; góp phần đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, ông Nguyễn Dương Thái nhấn mạnh.
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Hải Dương chỉ đạo các sở ban ngành rà soát các khu công nghiệp hiện hữu, xem xét các khu công nghiệp mới; tích hợp vào quy hoạch tỉnh với tầm nhìn đến năm 2045 để làm cơ sở cho việc xây dựng các khu công nghiệp mới trong thời gian tới; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc lấy hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
“Hải Dương cũng cần chỉ đạo sát sao việc giải phóng mặt bằng sớm bàn giao cho các nhà đầu tư; nâng cao chất lượng hạ tầng, các dịch vụ logistic; đồng thời, cần giải quyết dứt điểm các khó khăn trong triển khai các khu công nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với Hải Dương trong hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nghiên cứu sửa đổi các quy định.”, ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.