Trước hết, các địa phương hoàn thiện bổ sung bộ máy chỉ đạo chống dịch theo hướng dẫn của Trung ương, sẵn sàng các kịch bản ứng phó với dịch theo tinh thần chấp nhận sống chung với dịch, vừa chống dịch vừa sản xuất, phân quyền cho các địa phương.
Cùng với đó, Hải Dương tập trung ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 với khu vực doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất; khuyến khích và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp theo nguyên tắc sản xuất phải an toàn và an toàn để sản xuất, tăng cường thông tin để người dân nhận thức vaccine tốt nhất là vaccine sớm nhất, không kén chọn.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu xử lý những dự án chậm giải ngân, cần thiết chuyển sang những dự án khác. Với những dự án đã hoàn thành hoặc tỷ lệ giải ngân thấp phải xem xét xử lý ngay và kiểm điểm trách nhiệm cá nhân.
Bên cạnh đó, Hải Dương tiếp tục đề ra các nhóm giải pháp như: quyết liệt nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; xử lý dứt điểm vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất, xử lý nghiêm các trường hợp gây lãng phí đất đai. Cùng đó, đồng hành với doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa; chú trọng tăng diện tích cây vụ đông; ưu tiên nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội…
Ông Triệu Thế Hùng nhấn mạnh với các nhóm giải pháp này, các ngành, các địa phương cần thực hiện với tinh thần “5 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm.
Cùng với đó, trong những tháng cuối năm, Hải Dương cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tỉnh, phấn đấu hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong năm 2021.
Đối với thu chi ngân sách, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho rằng thu ngân sách 9 tháng qua có tăng nhưng chưa bền vững. Ban thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đang xây dựng vùng công nghiệp động lực, coi đây là giải pháp để có nguồn thu bền vững trong thời gian tới.
Lãnh đạo tỉnh cũng giao Sở Kế hoạch Đầu tư, Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước bám sát tiến độ thu chi, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công theo đúng tiến độ…
9 tháng qua, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhưng tỉnh Hải Dương đã thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”, hạn chế thấp nhất tác động của dịch bệnh. Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng của Hải Dương ước đạt gần 13.400 tỷ đồng, vượt 3% so với dự toán năm và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa đạt 11.201 tỷ đồng, tăng 2% so dự toán năm.
Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản có mức tăng trưởng khá, ước tổng giá trị sản xuất đạt trên 15.100 tỷ đồng, bằng khoảng 76,9% kế hoạch năm, tăng 6,7% so cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng ước đạt trên 206.500 tỷ đồng, đạt % kế hoạch năm và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm chủ lực tăng như xi măng, điện, sắt thép, ô tô.
Tổng giá trị sản xuất các ngành dịch vụ ước đạt khoảng 29.700 tỷ đồng, bằng 66% kế hoạch năm và giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6.050 triệu USD, bằng 80,9% kế hoạch năm, tăng 25,8% so cùng kỳ năm trước. Giá trị hàng hóa nhập khẩu khoảng 5.670 triệu USD, bằng 81,6% so kế hoạch năm.
Về hoạt động đầu tư phát triển, Hải Dương đã chủ động nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Tỉnh đã hoàn thiện các thủ tục đầu tư 4 dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp và tiếp tục triển khai 2 dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đã thành lập theo quy định. Thành lập và đưa vào hoạt động Quỹ phát triển đất của tỉnh nhằm tạo quỹ đất sạch phục vụ thu hút đầu tư các dự án.
Trong 9 tháng qua, Hải Dương đã chấp thuận chủ trương đầu tư 101 dự án trên 4.900 tỷ đồng, bằng 30,4% so với cùng kỳ năm trước; 1.010 doanh nghiệp thành lập mới, bằng 89% so cùng kỳ năm trước; 639 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động.