Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng khẳng định, đội trí thức của tỉnh đã có nhiều đóng góp tích cực và hiệu quả trong việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; tích cực truyền bá tri thức, nâng cao trình độ dân trí, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng đề nghị các trí thức, nhà khoa học tiếp tục đoàn kết, phát huy tiềm năng trí tuệ, khát vọng sáng tạo, mạnh dạn đề xuất, hiến kế nhiều giải pháp để xây tỉnh Hải Dương ngày càng phát triển. Lãnh đạo tỉnh luôn nghe, tiếp thu và trân trọng những ý kiến, kế sách hay của đội ngũ trí thức.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng lưu ý, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Để thực hiện tốt định hướng, mục tiêu trên, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức gắn với định hướng phát triển của địa phương; tạo điều kiện để trí thức tham gia góp ý, đề xuất các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng sáng kiến vào sản xuất và đời sống.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng đề nghị các ngành, các địa phương quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, trong hoạt động của ngành; chú trọng đưa các kết quả nghiên cứu, sáng tạo vào thực tiễn; kịp thời quan tâm, động viên, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có những sáng tạo hữu ích trong nghiên cứu, học tập và đời sống để khích lệ phát triển phong trào thi đua đổi mới sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển của ngành, đơn vị, địa phương.
Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Dương cần chủ động tham mưu triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tổ chức các diễn đàn, hội thảo khoa học, lựa chọn chủ đề nội dung trọng tâm, vấn đề nóng của tỉnh để tập hợp đội ngũ trí thức tham gia tư vấn, đề xuất biện pháp giải quyết. Liên hiệp phải là nơi tập hợp, phát huy vai trò, năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức trong tư vấn, phản biện, hoạch định chính sách và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Liên hiệp các hội cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo trong các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân; chủ trì, phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ các tác giả hoàn thiện, nâng cao chất lượng các giải pháp, mô hình tham dự cuộc thi, hội thi, giải thưởng sáng tạo toàn quốc, khu vực và quốc tế.
Thay mặt cho các trí thức tiêu biểu năm 2022, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Thị Diệu Hằng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương bày tỏ cám ơn sự quan tâm, ghi nhận của các cấp chính quyền dành cho giới trí thức và khẳng định: Việc được tôn vinh không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là trách nhiệm lớn lao của mỗi trí thức Hải Dương cho dù ở bất cứ nơi đâu, dù ở cương vị, lĩnh vực công tác nào cũng luôn phấn đấu trưởng thành, hướng về quê hương, đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển, góp phần tô thắm thêm truyền thống của vùng đất “địa linh nhân kiệt”.
Ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương cho biết, Hải Dương có khoảng trên 65 nghìn người có trình độ từ cao đẳng trở lên, trong đó trình độ đại học là 45 nghìn người, có 1.500 Thạc sỹ, 100 Phó Giáo sư, Tiến sĩ. Trình độ lý luận chính trị của cán bộ công chức, viên chức ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong 15 năm qua, đội ngũ trí thức tỉnh Hải Dương đã tích cực thực hiện nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ quan trọng, qua đó góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giai đoạn 2011 - 2015, đội ngũ trí thức của tỉnh thực hiện 158 nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong đó chủ trì 123/158 nhiệm vụ. Hoạt động khoa học công nghệ có nhiều đổi mới, tăng cường ứng dụng các công nghệ mới, kỹ thuật mới trong sản xuất và đời sống, đồng thời chú trọng lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học nhân văn, làm cơ sở khoa học cho việc ban hành các chính sách giải quyết một số vấn đề bức xúc đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giai đoạn 2016 - 2022, hoạt động khoa học công nghệ tiếp tục phát triển theo hướng thiết thực, hiệu quả. Tỉnh đã đầu tư 298,5 tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện 194 nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong đó có 182 nhiệm vụ cấp tỉnh, 12 nhiệm vụ cấp Nhà nước. Các nhiệm vụ khoa học công nghệ giai đoạn này tập trung vào ứng dụng, chuyển giao và nhân rộng các tiến bộ khoa học công nghệ trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nông thôn, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân, gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hóa, chăm sóc sức khỏe con người. Ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong việc cải các hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo...