Sáng 16/1, tại Trung tâm văn hóa Xứ Đông, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị chuyên đề “Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương - Chuyển đổi số để bứt phá”; thông tin một số vấn đề về định hướng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng đã trao đổi, thông tin tới các đại biểu về Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 với định hướng phát triển gồm 4 trụ cột, 3 nền tảng, 1 trung tâm, 3 đô thị động lực và 3 trục phát triển.
Cụ thể, 4 trụ cột là: Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Ba nền tảng gồm: văn hóa, con người Hải Dương; môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng; kết cấu hạ tầng, giao thông đồng bộ, hiện đại. Một trung tâm là thành phố Hải Dương, 3 đô thị động lực là thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn và huyện Bình Giang. Ba trục phát triển là Bắc Nam, Đông Tây và dọc theo sông Thái Bình.
Tỉnh Hải Dương xác định ba khâu đột phá trong giai đoạn tới là: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh, đồng thời chú trọng hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ số khởi nghiệp, sáng tạo. Huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng số, đô thị thông minh và nông thôn mới kiểu mẫu. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò gương mẫu, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng khẳng định, lãnh đạo tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; sẽ chủ động gặp gỡ, mời các nhà đầu tư về đầu tư trên địa bàn tỉnh với phương châm hành động “Chủ động, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả” theo 5 rõ gồm “rõ việc, rõ người, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm”. Hải Dương quyết liệt chỉ đạo triển khai 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong quý II/2021. Tỉnh tăng cường thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính với chủ đề “Kỷ cương, chuyên nghiệp, trọng dân”; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, nhất là các vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp, phấn đấu cải thiện điểm số chỉ số "Chi phí không chính thức”.
“Nếu cán bộ nào gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Hải Dương kiên quyết điều chuyển, thay thế dù đó là ai”, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương chia sẻ. Tỉnh Hải Dương sẽ xây dựng trung tâm điều hành thông minh, kết nối trực tiếp tới phòng làm việc và điện thoại của những lãnh đạo cao nhất của tỉnh. Qua đó, lãnh đạo tỉnh Hải Dương sẽ trực tiếp giám sát thời gian giao, nhận và quy trình xử lý hồ sơ của từng doanh nghiệp tại mỗi Sở, ngành.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cũng cung cấp số điện thoại di động và hộp thư điện tử (email) ngay tại hội nghị để doanh nghiệp có thể phản ánh những khó khăn, vướng mắc, những hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trực tiếp tới người đứng đầu tỉnh bất kỳ thời gian nào để kịp thời chỉ đạo xử lý.
Tỉnh Hải Dương hiện có 14.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, có khoảng 9.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đứng thứ 13/63 cả nước; tính trung bình Hải Dương có 47,5 doanh nghiệp/vạn dân, đứng thứ 19/63 cả nước. Năm 2020, Hải Dương có gần 900 doanh nghiệp ngừng hoạt động, thành lập mới khoảng 1.700 doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp vừa và lớn chiếm khoảng 9,4%, còn lại là các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ. Tổng số vốn trong doanh nghiệp là 285.292 tỷ đồng. Vốn sản xuất kinh doanh trung bình của mỗi doanh nghiệp là khoảng 30 tỷ đồng, đứng thứ 24/63 tỉnh, thành. Doanh thu của các doanh nghiệp là 349.505 tỷ đồng. Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp là gần 360.000 người, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Theo các số liệu trên, số lao động bình quân/doanh nghiệp của Hải Dương khá cao; trong khi đó các chỉ tiêu bình quân về quy mô vốn, doanh thu lại xếp thứ hạng thấp hơn… Điều đó cho thấy hoạt động kinh tế của Hải Dương sử dụng nhiều lao động (sản xuất chủ yếu là công nghiệp gia công, lắp ráp; dịch vụ giản đơn) nên giá trị thu được thấp, hiệu quả kinh tế thu được thấp hơn so với các tỉnh nằm trong top đầu cả nước.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là "chìa khóa vàng", tạo ra các doanh nghiệp mới, cách hoạt động mới, tạo ra giá trị rất lớn như: chi phí vận hành sản xuất giảm, tiếp cận khách hàng được tối đa, công tác quản trị doanh nghiệp được giải quyết nhanh chóng, chính xác theo thời gian thực… Đặc biệt, trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19, việc thực hiện chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu với doanh nghiệp không chỉ để ứng phó linh hoạt với biến động nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực mà còn là giải pháp cho bài toán phát triển bền vững của mọi doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. Hải Dương đang tích cực chỉ đạo triển khai “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ; trong thời gian tới, quyết tâm thực hiện Đề án "Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Hải Dương sẽ hỗ trợ 50% chi phí chứng thực chữ ký số cho doanh nghiệp mới thành lập; hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và của tỉnh; tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong sản xuất, kinh doanh. Tỉnh cũng hỗ trợ doanh nghiệp giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng; hỗ trợ doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Tại hội nghị, các đại biểu còn được các chuyên gia của Tập đoàn FPT, DELL chia sẻ các chuyên đề gồm: Chuyển đổi số doanh nghiệp để bứt phá thành công - Xu hướng thế giới và thực tiễn tại Việt Nam; Giải pháp thực tiễn chuyển đổi số doanh nghiệp…