Theo báo cáo của Thành ủy Hải Phòng, trong công cuộc đổi mới 40 năm qua, đặc biệt là 10 năm gần đây, thành phố đạt được nhiều kết quả trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Về công tác quốc phòng, thành phố đã kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng; tập trung cơ cấu lại nền kinh tế theo 3 trụ cột: Công nghiệp công nghệ cao, Cảng biển - Logistics và Du lịch - Thương mại; tăng trưởng GRDP giai đoạn 2018 - 2022 tăng bình quân 13,77%/năm, gấp 2,5 lần mức tăng chung cả nước. Thành phố triển khai nhiều nhiệm vụ nhằm xây dựng khu vực phòng thủ thành phố vững chắc; xây dựng lực lượng bảo đảm nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang thành phố đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Về công tác an ninh, Hải Phòng đã tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia; triển khai hiệu quả giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Trong công tác đối ngoại, Hải Phòng chú trọng quan hệ hợp tác, liên kết vùng, hợp tác với các địa phương nước ngoài; phát triển hoạt động kinh tế đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, tích cực thu hút FDI, ODA, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu. Tính đến tháng 9/2023, thành phố có gần 900 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư 29,36 tỷ USD.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân cho biết, trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thành phố đã rút ra một số bài học kinh nghiệm, như: Phát huy vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng trong triển khai nghị quyết, chỉ thị và các văn bản chỉ đạo của Trung ương về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại là đặc biệt quan trọng, giữ vai trò quyết định. Thành phố đã quán triệt sâu sắc tư tưởng chủ động tiến công với chủ động phòng ngừa, lấy chủ động phòng ngừa giữ vững bên trong là chính; coi trọng xây dựng cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh có khả năng quản lý, lãnh đạo, triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Thành phố luôn quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng trong nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và thành phố trên trường quốc tế; xác định đúng đắn, hài hòa về tầm quan trọng của 3 trụ cột ngoại giao là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa trong đó ngoại giao kinh tế là trọng tâm.
Trao đổi thảo luận tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, trưởng Đoàn khảo sát cùng các thành viên trong đoàn cho rằng, báo cáo của Hải Phòng rất cụ thể, chi tiết, bám sát nội dung của Ban chỉ đạo, đánh giá đúng và sát với tình hình trong từng giai đoạn cụ thể. Đồng thời, báo cáo cũng đã chỉ ra những vướng mắc hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị có giá trị từ thực tiễn.
Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Hải Phòng có địa thế chính trị quan trọng, là cửa chính ra biển của khu vực phía Bắc, là cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của cả khu vực. Thành phố cũng đi đầu trong thực hiện công cuộc đổi mới, với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo... Trên cơ sở báo cáo đánh giá, phân tích làm rõ những kết quả nổi bật cũng như những tồn tại, hạn chế, Hải Phòng cần bổ sung phân tích đánh giá tình hình bối cảnh thế giới và khu vực tác động đến sự phát triển của thành phố, cơ hội, thách thức trong đổi mới ngoại giao đối ngoại, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để hoàn thiện báo cáo tổng kết. Đoàn khảo sát sẽ tổng hợp các ý kiến tại hội nghị, những kết quả và bài học kinh nghiệm, đề xuất của thành phố, báo cáo cấp có thẩm quyền.