Những dấu ấn rực rỡ
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố luôn xác định Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, vừa là nguồn lực tinh thần, vừa là nguồn lực vật chất quý báu cho thành phố, với những cơ chế, chính sách mới, vượt trội để thành phố phát huy được tiềm năng, lợi thế và phát triển toàn diện.
“Sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 45-NQ/TW, thành phố Hải Phòng đã nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ; sự quan tâm, liên kết, hợp tác chặt chẽ của các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng nói chung, cả nước nói riêng và sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị”, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng nhấn mạnh.
Cụ thể, thành phố đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành các cơ chế, chính sách phát triển thành phố theo Nghị quyết số 45-NQ/TW như: Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 30/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1516/QĐ-TTg ngày 02/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các cơ chế, chính sách này đã tiếp sức cho kinh tế - xã hội Hải Phòng đạt được những thành tựu nổi bật, tạo ra những chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Quy mô kinh tế thành phố mở rộng, duy trì vị trí thứ hai trong vùng Đồng bằng sông Hồng, sau Thủ đô Hà Nội, tốc độ tăng trưởng duy trì liên tục hai con số. Chất lượng tăng trưởng được nâng cao, Hải Phòng thuộc nhóm các địa phương có năng suất lao động cao nhất cả nước.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại với ngành công nghiệp phát triển nhanh, là động lực chính trong phát triển kinh tế, thành phố từng bước khẳng định là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Khu vực nông nghiệp, nông thôn có những chuyển biến rõ rệt. Khu vực dịch vụ tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng, tập trung vào đầu tư cơ sở vật chất; các lĩnh vực thương mại, vận tải, du lịch tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong phát triển dịch vụ của thành phố.
Kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư, tập trung huy động nguồn lực phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần thực hiện tốt vai trò là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Nhiều công trình giao thông có vai trò liên kết vùng, khu vực đã hoàn thành như: Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Hải Phòng - Hạ Long; cầu Bến Rừng; cải tạo nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn Quán Toan - Cầu Nghìn và đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền nối Hải Phòng - Quảng Ninh...
Phát triển đô thị có nhiều khởi sắc, không gian đô thị được mở rộng. Tập trung đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Quyết liệt triển khai xây dựng các Đề án: Thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên; thành lập đơn vị hành chính quận tại huyện An Dương; điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính huyện An Dương để mở rộng quận Hồng Bàng và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023 - 2025. Hoàn thiện Đề án tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng trình Chính phủ.
Phát triển kinh tế được thực hiện đi đôi với phát triển văn hóa - xã hội; giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hải Phòng đang nổi lên như một trung tâm phát triển thị trường khoa học - công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo của vùng Bắc Bộ, được Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn để đặt điểm kết nối cung cầu công nghệ vùng Đồng bằng sông Hồng. Chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên.
Quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và giải phóng mặt bằng đạt nhiều kết quả quan trọng; công tác bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng được tăng cường, phát huy hiệu quả. Thực hiện các chính sách xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân thành phố không ngừng được nâng cao.
Công tác cải cách hành chính đã có những bước chuyển biến rõ rệt, toàn diện; tác động tích cực vào hoạt động quản lý điều hành, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp.
Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, Hải Phòng trở thành một trong những địa phương có môi trường đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Giai đoạn 2019 - 2023, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của thành phố đã có những chuyển biến mạnh mẽ, liên tục đạt vị trí xếp hạng cao. Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của thành phố luôn duy trì là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước kể từ năm 2012 - năm đầu tiên Bộ Nội vụ thực hiện đo lường, đánh giá chỉ số này.
“Hải Phòng liên tục nằm trong danh sách các địa phương dẫn đầu về thu hút FDI toàn quốc, đã và đang trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới và các nhà đầu tư nước ngoài. Thành phố đang tập trung chỉ đạo xây dựng khu kinh tế mới - khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000 ha - là khu kinh tế sinh thái thế hệ 3.0, đa ngành, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, cảng biển, logistics hiện đại và đô thị thông minh; là đầu mối của thành phố tham gia chuỗi giá trị và cung ứng khu vực và thế giới”, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng khẳng định.
Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, quyết tâm của lãnh đạo thành phố là đến năm 2030, khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng trở thành một động lực chủ đạo của nền kinh tế thành phố. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết số 45-NQ/TW, thành phố đang nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng, dự kiến nằm trong khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng.
Cần tiếp tục tháo gỡ “điểm nghẽn”
Bên cạnh kết quả đạt được, theo ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, trong quá trình triển khai Nghị quyết số 45-NQ/TW, vẫn còn nhiều hạn chế, khiến cho thành phố chưa đạt được các mục tiêu như kỳ vọng.
Đó là quy mô, sức cạnh tranh của nền kinh tế Hải Phòng chưa mạnh, còn khoảng cách khá lớn so với Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối chưa cao; hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị có nguy cơ quá tải, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Các vấn đề về môi trường chưa được giải quyết triệt để. Định hướng trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, có vai trò động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á... còn chưa thực sự rõ nét.
“Những hạn chế, tồn tại nêu trên, bên cạnh nguyên nhân khách quan do bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước không thuận lợi, tác động tiêu cực của COVID-19 và diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, các nguyên nhân mang tính chủ quan vẫn là cơ bản. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế chưa cao; cải cách hành chính chưa đạt hiệu quả như mong muốn; việc phân cấp, phân quyền chưa thật sự mạnh mẽ; cơ chế đôn đốc, kiểm tra, giám sát và kiểm soát chưa thật sự hiệu quả. Công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án đầu tư còn gặp nhiều khó khăn. Công tác đào tạo và thu hút nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được sự phát triển của các ngành kinh tế thành phố”, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng thẳng thắn thừa nhận.
Xuất phát từ thực tiễn yêu cầu phát triển, căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 45-NQ/TW và định hướng phát triển của thành phố, trong thời gian tới, thành phố Hải Phòng tiếp tục tập trung thực hiện 3 giải pháp đột phá.
Đó là: Tập trung đầu tư xây dựng, phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng trở thành động lực tăng trưởng của thành phố trong giai đoạn tới; Ưu tiên nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng trọng yếu có tính lan tỏa, kết nối cao; Thành phố xây dựng, hoàn thiện và kiến nghị với Trung ương sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng trong giai đoạn tới, trọng tâm là cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế, xã hội.
Cụ thể: Giữ ổn định tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố trong giai đoạn ổn định ngân sách mới sau khi thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng; ủy quyền, phân cấp cho thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất phù hợp với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phân cấp cho thành phố Hải Phòng quyết định điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất thành phố, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện tương tự như điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng, việc điều chỉnh phải đảm bảo chỉ tiêu sử dụng đất thành phố được phân bổ; thành lập Khu thương mại tự do thành phố Hải Phòng nằm trong Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng.
Thành phố cũng tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh thu hút nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực thành phố có nhu cầu; trong đó trọng tâm là phát triển Trường Đại học Hải Phòng trở thành Đại học Hải Phòng (đại học vùng), là một trong các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Việt Nam và ngang tầm các trường đại học trung bình khá của khu vực Đông Nam Á, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố và đất nước; thu hút đầu tư cơ sở giáo dục Đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có năng lực uy tín.
“Để hiện thực hóa các mục tiêu đó, ngoài sự nỗ lực, quyết tâm, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị thành phố, thành phố Hải Phòng rất cần sự ủng hộ của Trung ương, sự quan tâm, liên kết, hợp tác chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, địa phương, trong đó đặc biệt là ủng hộ việc thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, Khu thương mại tự do thành phố Hải Phòng và sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng”, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng nhấn mạnh.
Hải Phòng đã khẳng định được vai trò đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Nhiều công trình giao thông trên địa bàn thành phố có vai trò liên kết vùng đã hoàn thành.
Đồng thời, thành phố Hải Phòng đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, tập trung triển khai các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án quan trọng của vùng như đầu tư xây dựng các bến cảng Lạch Huyện, các Dự án tại Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi.
Thành phố phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu đầu tư và phấn đấu khởi công xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng (thuộc tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng) song song với tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (đến ga Nam Hải Phòng) kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn, Lạch Huyện; nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Thành phố tham gia ký kết Thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông nhằm tăng cường phối hợp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của 4 địa phương dọc trục đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái; đăng cai tổ chức Hội nghị giao ban vùng và Diễn đàn Liên kết phát triển hạ tầng khu công nghiệp Trục cao tốc phía Đông; thành lập Tổ điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng tại Hải Phòng.