Đây là chủ trương đã được chắt lọc, kế thừa, phát triển từ nhiều nhiệm kỳ của Đảng ta. Chủ trương này đã được Thành ủy Hải Phòng quyết liệt chỉ đạo các cấp ủy, các tổ chức đảng triển khai thực hiện, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Theo Giám đốc Sở Ngoại vụ Hải Phòng Nguyễn Anh Tuân, cơ hội từ quá trình hội nhập quốc tế mang lại, đó là tổng số vốn của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của thành phố tăng mạnh trong 5 năm qua, đạt 9,41 tỷ USD, nâng tổng nguồn vốn này lên gần 18,2 tỷ USD, với sự hiện diện của các tập đoàn đa, xuyên quốc gia như LG, Bridgestone... Đây là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển, đóng góp vào tăng trưởng GDP và thu ngân sách Nhà nước, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và chuyển giao kỹ năng quản lý tiên tiến cho người dân thành phố. Nguồn vốn này cũng trực tiếp làm gia tăng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Trong suốt 5 năm 2015-2020, thành phố duy trì mức tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân 34,42%/năm, chỉ tính riêng năm 2020 ước đạt 18,94 tỷ USD (gấp 4,5 lần năm 2015).
Một nguồn ngoại lực khác là nguồn vốn ODA cũng cho thấy hiệu quả rất thiết thực. Nguồn vốn này đã góp phần chuyển đổi mạnh mẽ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đổi mới bộ mặt giao thông, đô thị của thành phố với nhiều công trình trọng điểm như: Cầu và đường Tân Vũ - Lạch Huyện, hạ tầng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, trục liên kết giao thông Đông - Tây… Từ đó, đã góp phần giúp thành phố Cảng hình thành được hệ thống hạ tầng vượt trội, đặc biệt là tạo ra quỹ đất cùng thế và lực để gia tăng thu hút các nhà đầu tư trong nước với sự hiện diện của hàng loạt các nhà đầu tư hàng đầu như Vingroup, Sun Group… đem lại luồng sinh khí mới, thể hiện sự kết hợp hiệu quả giữa nội lực và ngoại lực trên cả 3 lĩnh vực kinh tế trụ cột là kinh tế cảng biển - logistics, công nghiệp công nghệ cao và du lịch. Nhân tố này cùng FDI đã tác động trực tiếp làm tăng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng. Tính đến năm 2020, sản lượng hàng hóa qua cảng ước đạt 153,3 triệu tấn, gấp 2,24 lần năm 2015.
Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố cho biết, không gian kinh tế thành phố tiếp tục được mở rộng. Đến nay, thành phố đã xây dựng, kết nối thương mại được với 126 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Sự kiện Cảng Lạch Huyện đón thành công các tàu siêu lớn Northern Jaguar 8.814 TEU và Wan Hai 805 có tải trọng 132.000 tấn hàng là những mốc son cho việc kết nối vận chuyển container xuyên đại dương trực tiếp từ Hải Phòng, khẳng định lĩnh vực kinh tế cảng biển, logistics của thành phố đã bước đầu vượt tầm khu vực, vươn ra toàn cầu.
Sân bay quốc tế Cát Bi đã kết nối thành công một số tuyến quốc tế, đang cùng với cảng biển trở thành động lực quan trọng không ngừng nâng tầm vị thế thành phố. Các hoạt động liên kết, hợp tác khác được thúc đẩy và có nhiều chuyển biến tích cực như: Hành lang kinh tế 5 tỉnh Việt Nam - Trung Quốc; hợp tác cấp địa phương với Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ; liên kết đa phương với các tổ chức CityNet, WCCD, TPO, WeGO, Mayors for Peace…
Cùng với đó, hoạt động ngoại giao văn hóa, công tác thông tin đối ngoại có sự đổi mới, sáng tạo gắn với đẩy mạnh quảng bá về vùng đất, con người Hải Phòng, với xúc tiến đầu tư và du lịch, mở đường bay quốc tế. Lễ hội Hoa Phượng đỏ đã luôn tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè và du khách bốn phương. Gần đây nhất, Vịnh Lan Hạ đã chính thức trở thành một trong 46 vịnh đẹp nhất thế giới. Thành phố đang tích cực hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên mới của thế giới vào năm 2023 với 4 tiêu chí mỹ học, địa chất địa mạo, đa dạng về hệ sinh thái và đa dạng về giống loài.
Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài được thành phố Hải Phòng triển khai hiệu quả, khuyến khích, động viên kiều bào hướng về quê hương. Đặc biệt, giá trị kiều hối giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 1,61 tỷ USD tăng 69,12% so với giai đoạn 2011-2015. Tính riêng 2019, lượng kiều hối gửi về đạt 409 triệu USD (khoảng 9.000 tỷ), tương đương 1/3 tổng ngân sách thu nội địa cùng năm của thành phố. Dòng ngoại tệ này đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế hộ gia đình, đầu tư, góp vốn sản xuất, kinh doanh...
Tiếp tục phát huy kết quả công tác đối ngoại tại Hải Phòng trong thời gian tới, Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Anh Tuân cho rằng, Hải Phòng không ngừng nâng cao hiệu quả phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, giữa các ngành, các cấp, các địa phương và các doanh nghiệp nhằm phát huy tổng lực hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực thế mạnh, trọng điểm của thành phố. Đồng thời, thành phố tiếp tục củng cố niềm tin chiến lược, cốt lõi với bạn bè và đối tác quốc tế, chú trọng các đối tác đến từ các quốc gia, khu vực, cộng đồng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, ASEAN. Thành phố tích cực tham gia hoạt động các tổ chức đa phương, vận động các tổ chức quốc tế tăng cường hoạt động, đặt chi nhánh, trụ sở tại thành phố Hải Phòng, nghiên cứu thiết lập các đầu mối liên hệ của thành phố tại một số thị trường quốc tế trọng điểm trên cơ sở liên kết công - tư. Hải Phòng nghiên cứu đề xuất với Trung ương có các chính sách đặc thù cho công tác đối ngoại của Hải Phòng, đặc biệt là về thẩm quyền quyết định.
Mặt khác, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện trong công tác quản lý hành chính, trong cung cấp dịch vụ công nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, công sức của người dân, doanh nghiệp. Tỉnh tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng phù hợp với các cam kết, nguyên tắc hội nhập; tăng cường sự hợp tác, phối hợp với các cơ quan Trung ương, các địa phương, đối tác trong và ngoài nước qua các kênh ngoại giao trong triển khai các nhiệm vụ đối ngoại và hội nhập. Hải Phòng nâng cao năng lực phòng chống, giải quyết, xử lý các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về thương mại, đầu tư quốc tế của thành phố; xây dựng bản sắc văn hóa đối ngoại của thành phố; phối hợp hài hòa giữa ngoại giao văn hóa và ngoại giao kinh tế...