Xuyên suốt chương trình là những câu chuyện lịch sử với bao mất mát, hy sinh của lớp lớp thế hệ đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc.
Tại chiến trường Tây Ninh, chiến sĩ người Hải Phòng đã tham gia những trận đánh trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam chống chế độ diệt chủng Khmer đỏ.
Các cựu binh tham gia các chiến trường kể lại, 55 năm trước, ngày 16/11/1967, giữa núi rừng Yên Tử thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, tiểu đoàn Cát Bi được thành lập. 631 cán bộ chiến sỹ là người Hải Phòng, được tập hợp và làm lễ xuất quân để tiến vào mặt trận Bắc Sài Gòn - Gia Định, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Trong suốt những cuộc chiến đấu, 521 người đã hy sinh, chỉ có 110 người được trở về.
Chia sẻ kỷ niệm tại chiến trường Tây Ninh, bác sĩ Trần Văn Bản, chiến sỹ Tiểu đoàn Cát Bi chia sẻ kỷ niệm khi chiến tranh bị thương nặng và phải điều trị tại bệnh viện trong 2 tháng. Trong suốt thời gian đó, ông nhận thấy, chiến sỹ bị hy sinh rất nhiều, trong đó có những người không thể tìm thấy hài cốt. Ông đã nghĩ đến phương án viết tên, tuổi, quê quán của các liệt sĩ cho vào lọ thuốc nhỏ, những cây bút, những chiếc túi nilong bọc kín và kẹp cùng với cơ thể người liệt sĩ. Đây cũng là cách sau này bác sĩ Trần Văn Bản và đồng đội đi tìm lại được hàng nghìn hài cốt đồng đội.
Cũng trong chương trình, nhiều cựu binh khác như Thiếu tướng Lưu Xuân Cải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hải Phòng, nguyên là chiến sỹ chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị đã chia sẻ những ký ức khốc liệt về những trận đánh và mong mỏi chung của những cựu binh trong quá trình tìm hài cốt đồng đội.
Đại diện lãnh đạo hai địa phương là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam và Phó Chủ tịch tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong chia sẻ về chính sách đền ơn đáp nghĩa và hỗ trợ tìm những liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt, đồng thời khẳng định về cơ hội hợp tác giữa hai địa phương thời gian tới.