Hậu Giang chủ động ứng phó nồng độ mặn tăng cao

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, những ngày qua, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, ngành chức năng đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Chú thích ảnh
Cống ngăn mặn Hốc Hỏa, thành phố Vị Thanh, đã được mở để lấy nước ngọt vào nội đồng. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Theo đó, những ngày qua, nồng độ mặn tại các sông chịu ảnh hưởng bởi triều biển Tây trên địa bàn tỉnh liên tục tăng. Nồng độ mặn đo được lúc 7 giờ 30 phút, sáng 22/4, tại ngã ba Nước Trong là 13,3‰; tại cống Kênh Lầu là 12,6‰; tại UBND xã Lương Nghĩa (huyện Long Mỹ) là 10,6‰; tại cống Hóc Pó là 10,7‰; tại bến phà Ngan Dừa là 10,2‰.

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang cho biết, những ngày qua, tình hình hạn mặn trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nồng độ mặn những ngày qua đều tăng. Lượng nước ngọt từ sông Hậu đổ về đang rất thấp nên nguy cơ thiếu nước rất lớn, khả năng ranh mặn lấn sâu vào nội đồng nên các cấp, ngành, người dân cần cảnh giác, chủ động theo dõi thông tin từ ngành chuyên môn để ứng phó kịp thời.
 
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh thông tin thêm, trước tình hình độ mặn tăng cao, ngành chuyên môn đã chỉ đạo các đơn vị tập trung vận hành các công trình thủy lợi đảm bảo mặn không xâm nhập vào nội đồng, đến nay, các địa phương đã đóng 59 cống tròn, cống hở để ngăn mặn. Đẩy nhanh tiến độ duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, nạo vét kênh, mương trữ nước ngọt. Tăng cường tuyên truyền về tình hình hạn, mặn để người dân có giải pháp chủ động bảo vệ sản xuất. Phối hợp các đơn vị vận hành công trình thủy lợi ở các tỉnh trong vùng để tháo mặn khi triều rút và lấy nước ngọt thông qua các sông trên địa bàn tỉnh. Tình hình xâm nhập mặn cũng được cập nhật kịp thời, chính xác hằng ngày để các ngành, địa phương, người dân nắm và có các giải pháp ứng phó phù hợp.
 
Đồng thời, khuyến cáo bà con xuống giống vụ Hè Thu theo lịch xuống giống ngành nông nghiệp đã đưa ra; chủ động nạo vét kênh, mương, trữ nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt. Đối với các vùng có đê bao, hiện đang xuất hiện tình trạng thiếu nước nhưng bà con vẫn có thể đảm bảo sản xuất; đối với những vùng bị ảnh hưởng bởi mặn, đặc biệt là các xã Vĩnh Viễn A, Lương Tâm, Xà Phiên, Lương Nghĩa (huyện Long Mỹ), bà con cần chuẩn bị đến khi có đủ nước ngọt mới tiến hành xuống giống.
 
Vụ Hè Thu 2024, tỉnh Hậu Giang dự kiến xuống giống 73.800 ha. Đến nay, toàn tỉnh đã xuống giống trên 57.936 ha. Trước ảnh hưởng của tình hình xâm nhập mặn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí lịch xuống giống chia làm 2 đợt chính: đợt 1, từ ngày 26/3 - 1/4/2024; đợt 2, từ ngày 24 - 30/4/2024.

Đối với các xã bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn trên địa bàn của huyện Long Mỹ, thành phố Vị Thanh và Ngã Bảy, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nên xuống giống khi mùa mưa bắt đầu; điều tiết nước khoa học, hợp lý, tiết kiệm ngay từ đầu vụ, đảm bảo đủ nước theo nhu cầu từng giai đoạn phát triển của cây lúa; thường xuyên theo dõi, cập nhật nguồn nước, chất lượng nước phục vụ sản xuất để ngăn ngừa nước mặn xâm nhập.

Hồng Thái (TTXVN)
Nồng độ mặn ở Hậu Giang tăng cao, vượt hơn 13 phần ngàn
Nồng độ mặn ở Hậu Giang tăng cao, vượt hơn 13 phần ngàn

Ngày 22/4, nồng độ mặn tại nhiều nơi của tỉnh Hậu Giang tăng cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN