Sau hơn 20 năm hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Long An đã tổ chức cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách đạt hiệu quả cao, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, giúp người dân an cư bám đất giữ biên. Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã triển khai cho vay 15 chương trình tín dụng chính sách với tổng doanh số cho vay 13.516 tỷ đồng, với gần 953.000 lượt hộ vay vốn, trong đó có gần 353.000 lượt hộ nghèo được vay vốn để sản xuất chăn nuôi, buôn bán nhỏ.
Hiệu quả chương trình cho vay thoát nghèo
Chương trình cho vay hộ nghèo là chương trình trọng tâm để thực hiện chủ trương giảm nghèo nhanh và bền vững. Trong 20 năm, nguồn vốn đã giúp gần 353 nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn để sản xuất chăn nuôi, buôn bán nhỏ với tổng số tiền 2.721 tỷ đồng. Qua 20 năm, từ nguồn vốn vay đã giúp gần 85,1 nghìn hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2001-2005 từ 9,8% xuống còn 2,88% cuối năm 2005; giai đoạn 2006 - 2010 từ 8,83% xuống còn 1,91% vào cuối năm 2010; giai đoạn 2011-2015 từ 7,37% xuống còn 2,98% cuối năm 2015 và giai đoạn 2016-2020 từ 4,03% xuống còn 1,16% vào cuối năm 2020. Đến ngày 1/6/2022 theo chuẩn giai đoạn 2022-2025 Long An còn 6.234 hộ nghèo, chiếm 1,3%.
Ông Hồ Văn Hạnh, ngụ ấp An Thạnh, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa cho biết, năm 2018 gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Gia đình không có đất canh tác, ông là lao động chính công việc chủ yếu làm thuê, thu nhập thấp và bấp bênh. Sau đó, gia đình ông được tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Phụ nữ xã quản lý tư vấn và cho vay vốn chương trình hộ nghèo số tiền 50 triệu đồng để chăn nuôi bò sinh sản, thời hạn vay 3 năm.
Sau khi nhận vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đức Hòa, gia đình ông Hạnh mua 2 con bò cái. Gần 2 năm đầu, từ 2 con bò mẹ đã đẻ được 2 con bò con và cuối năm thứ 3 đẻ thêm 2 con bò con. Đến thời điểm hiện nay, gia đình ông có tổng cộng 6 con bò (2 bò mẹ và 4 bò con). Thấy mô hình nuôi bò sinh sản hiệu quả, để ổn định chăn nuôi lâu dài, ông Hồ Văn Hạnh mạnh dạn thuê 2 công ruộng trồng cỏ để có đủ cỏ cho bò ăn hàng ngày. Ngoài ra gia đình ông còn nấu rượu để kiếm thêm thu nhập và lấy hèm rượu cho bò ăn, nên đàn bò của gia đình ông phát triển rất tốt.
Do mô hình của gia đình ông Hạnh làm ăn hiệu quả và ông có nhu cầu tiếp tục vay vốn tín dụng chính sách để duy trì và phát triển chăn nuôi thoát nghèo bền vững, nên sau 3 năm tới thời hạn trả nợ vay ngân hàng, ông được bình xét vay lưu vụ thêm 1 chu kỳ 3 năm.
Tổ tiết kiệm và vay vốn là cánh tay nối dài của Ngân hàng Chính sách xã hội trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội, là cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn, góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với các đối tượng thụ hưởng kịp thời, thuận lợi, đảm bảo công khai, dân chủ và tiết giảm chi phí cho người vay. Qua đó, góp phần tăng sự đoàn kết tình làng nghĩa xóm, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có vốn để cùng nhau phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Ông Võ Ngọc Việt là Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn tại khu phố Nhà Dài, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa cho biết, gần 17 năm làm Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, ông luôn tận tình giúp đỡ bà con trong diện hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ; giúp nhiều hộ có vốn để sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt có thu nhập khá, trong đó có 6 hộ thoát nghèo, 9 hộ thoát cận nghèo, gần 40 hộ xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường để có cuộc sống tốt hơn và gần 30 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn hỗ trợ học sinh sinh viên để có tiền trang trải chi phí học tập không phải bỏ học giữa chừng.
Phủ rộng đối tượng được vay vốn
Tại Long An, thông qua hoạt động ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện lồng ghép chương trình tín dụng chính sách với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách, hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội được mở rộng, nội dung sinh hoạt phong phú, từ đó góp phần thu hút thêm hội viên, giúp xây dựng củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở.
Trong hơn 20 năm qua, dư nợ cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội liên tục tăng cả về quy mô và số lượng các chương trình tín dụng. Đến nay, toàn tỉnh Long An có 2.651 tổ tiết kiệm và vay vốn tại 100% các xóm ấp, tổ dân cư, trực thuộc quản lý của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tổng số gần 115.000 thành viên; bình quân mỗi tổ tiết kiệm và vay vốn có 43 thành viên, quản lý dư nợ gần 1,7 tỷ đồng.
Bốn tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đang phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia quản lý 4.464 tỷ đồng, chiếm 97,46%/tổng dư nợ, gồm 11/15 chương trình tín dụng chính sách đang triển khai trên địa bàn; trong đó Hội Liên hiệp Phụ nữ quản lý 1.893 tỷ đồng (chiếm 42,4%/tổng dư nợ ủy thác); Hội Nông dân quản lý 1.391 tỷ đồng (chiếm 31,15%/tổng dư nợ ủy thác); Hội Cựu chiến binh quản lý 664 tỷ đồng (chiếm 14,89%/tổng dư nợ ủy thác); Đoàn Thanh niên quản lý 516 tỷ đồng (chiếm 11,56%/dư nợ ủy thác).
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Long An bà Đỗ Thị Kim Thắm cho biết, hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh quản lý 1.102 tổ tiết kiệm và vay vốn với 48.593 hộ vay, tổng dư nợ gần 1.900 tỷ đồng (chiếm 42,4% tổng dư nợ ủy thác của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh với các tổ chức chính trị - xã hội); tăng gần 1.820 tỷ đồng (tăng 23 lần) so với năm 2004.
Theo bà Đỗ Thị Kim Thắm, hiệu quả của hoạt động ủy thác đã có tác động tích cực đến chất lượng hoạt động hội và phong trào phụ nữ, nâng cao tỷ lệ thu hút hội viên vào tổ chức hội. Thông qua sinh hoạt chi, tổ và hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn góp phần nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ, giúp chị em tự tin hơn trong tham gia các hoạt động xã hội, đồng thời tăng cường tình đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau.
Phấn đấu đạt 10.000 tỷ đồng nguồn vốn chính sách
Kết quả thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Long An 20 năm qua khẳng định hiệu quả của phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù; phân công, phân cấp trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc xác nhận đối tượng thụ hưởng chính sách ngày càng phát huy hiệu quả cao hơn.
Theo đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Long An, giai đoạn đầu, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn chủ yếu từ nguồn vốn Trung ương chuyển về. Trong quá trình hoạt động, nguồn vốn tín dụng chính sách được sự quan tâm bổ sung từ nguồn vốn ngân sách địa phương các cấp; kêu gọi nguồn vốn ủy thác đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội và huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân để bổ sung nguồn vốn cho vay.
Đến nay cơ cấu nguồn vốn tín dụng chính sách khá đa dạng và ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Hiện tổng nguồn vốn đạt 4.709 tỷ đồng, tăng 4.593 tỷ đồng (tăng 40 lần) so với năm 2003.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Long An cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách tại Long An không ngừng tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước. Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch dần từ nguồn vốn cân đối từ trung ương sang nguồn vốn huy động tại địa phương được trung ương cấp bù lãi suất và nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Ngoài ra, cách nay 20 năm tại Long An có 3 chương trình tín dụng chính sách nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Long An và Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh tỉnh Long An, với dư nợ 74 tỷ đồng (gồm chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm: 22 tỷ đồng, chương trình cho vay hộ nghèo: 51 tỷ đồng, chương trình cho vay học sinh, sinh viên: 1 tỷ đồng). Thì đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Long An đã triển khai cho vay 15 chương trình tín dụng chính sách với tổng doanh số cho vay 13.516 tỷ đồng và gần 953.000 lượt hộ vay vốn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa cho biết, một trong những mục tiêu cụ thể thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách đến năm 2030 tại địa phương là tăng cường nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội; trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương năm sau bằng hoặc cao hơn so với năm trước liền kề; nguồn vốn huy động hàng năm hoàn thành 100% kế hoạch được giao; nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam giao tăng trưởng bình quân hàng năm từ 8-10%, phấn đấu đến năm 2030 đạt 10.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, địa phương sẽ triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội được giao; 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính toàn diện do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp…