Đến năm 2020, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) có 6/7 thôn với 429 hộ nghèo và 364 hộ cận nghèo thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Giai đoạn 2016-2019, xã được hỗ trợ hơn 3,2 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng; trong đó, có 4 công trình giao thông, hai công trình thủy lợi và một công trình trường học. Các công trình này đã góp phần giúp xã thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống cho người dân.
Ông Nguyễn Huy Tám, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Trung Yên cho biết, tình trạng cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được điều kiện cho học sinh học các môn có phần thực hành. Từ nguồn vốn Chương trình 135, năm 2020, nhà trường đã được đầu tư xây dựng 3 phòng học bộ môn, gồm phòng thực hành môn Vật lý, phòng thực hành môn Hóa học và phòng thực hành môn Âm nhạc. Những phòng học này khi đưa vào sử dụng đã giúp các em có nhận thức tốt hơn về môn học, từ đó nâng cao hơn chất lượng dạy và học chung của nhà trường.
Chương trình 135 không chỉ đầu tư hạ tầng cơ sở vùng đặc biệt khó khăn mà còn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Giai đoạn 2016-2020, xã Trung Yên được hỗ trợ nguồn vốn phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo với số tiền gần 1,6 tỷ đồng. Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất Chương trình 135, Trung Yên tập trung cải tạo hơn 10 ha chè cành năng suất cao; đầu tư hỗ trợ hàng trăm máy móc, con giống cho người dân, đến nay xã đã có 45 hộ thoát nghèo bền vững.
Gia đình anh Nguyễn Văn Lương, thôn Ao Búc, xã Trung Yên là hộ cận nghèo. Năm 2020, gia đình anh được hỗ trợ 1 con lợn sinh sản từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất. Sau quá trình chăm sóc, lợn giống đã sinh sản được hai lứa. Anh Lương đã bán 10 lợn con và thu về 20 triệu đồng. Hiện tại, anh Lương nuôi 12 con lợn thương phẩm dự kiến khi bán sẽ thu về khoảng 50 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Lương chia sẻ, nhờ có nguồn thu từ nuôi lợn nên gia đình anh có thu nhập ổn định hơn, các con có điều kiện ăn, học tốt hơn. Dự định đến hết năm 2021, gia đình anh Lương sẽ xin ra khỏi hộ nghèo.
Bà Nguyễn Thị Thu Thúy, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Yên cho biết, để thực hiện giải ngân nguồn vốn có hiệu quả, xã đã lập kế hoạch và lên phương án tổ chức thực hiện, xây dựng các mô hình. UBND xã cũng căn cứ vào kế hoạch phân bổ vốn của cấp có thẩm quyền và định mức hỗ trợ theo quy định chính sách, phương pháp hỗ trợ phù hợp với nhu cầu thực tế, phù hợp với khung thời vụ và nhu cầu của nhân dân được hưởng lợi. Bên cạnh đó, hằng năm xã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức trồng trọt và chăn nuôi cho nhân dân, từng bước giúp người dân xóa đói giảm nghèo.
Từ hợp phần hỗ trợ hạ tầng nông thôn Chương trình 135 giai đoạn 2016 – 2020, Tuyên Quang đã xây dựng 833 công trình với tổng số vốn hơn 432,5 tỷ đồng. Việc đầu tư, hỗ trợ phát triển các công trình cơ sở hạ tầng đã đem lại những hiệu quả thiết thực tác động tích cực đến đời sống của nhân dân, tạo điều kiện giao thương hàng hóa giữa các vùng, các xã trong khu vực, góp phần nâng cao năng lực phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Ông Hoàng Văn Hảo, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang cho biết, từ nguồn vốn Chương trình 135, kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi nhỏ, đường, điện, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt… tại các vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh được xây dựng quy mô và khang trang hơn. Các công trình được đầu tư xây dựng tại các vùng đặc biệt khó khăn đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, trao đổi mua bán sản phẩm hàng hóa, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân…
Chương trình 135 đã góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân; đặc biệt là, ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết Quốc hội đề ra.