Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới, có diện tích tự nhiên trên 9.000 km2; trong đó, diện tích đất nông nghiệp chiếm 58%. Tỉnh có gần 47 vạn người, trên 82% người dân sinh sống ở khu vực nông thôn. Những năm qua, Lai Châu luôn xác định nông nghiệp là lĩnh vực trọng điểm và đã tập trung tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp.
Đồng thời, tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp giúp bà con nhân dân trong tỉnh có điều kiện để chuyển đổi các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lai Châu, năm 2021 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đường đã triển khai hỗ trợ chuồng trại chăn nuôi cho người dân trên địa bàn huyện. Theo đó, huyện có 136 hộ nhận được hỗ trợ; trong đó 17 hộ chăn nuôi tập trung với quy mô từ 5 đến 125 con gia súc và 119 nông hộ nhận được hỗ trợ để làm chuồng trại với số tiền hỗ trợ gần 1,5 tỷ đồng. Từ chính sách hỗ trợ này đã giúp các hộ chăn nuôi từ bỏ thói quen thả rông gia súc chuyển sang phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, giảm ô nhiễm môi trường và tăng thu nhập.
Tiêu biểu như gia đình anh Nguyễn Văn Long ở bản Tiên Bình, thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường trước đây chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Từ khi được Nhà nước hỗ trợ 200 triệu đồng từ chính sách hỗ trợ chuồng trại chăn nuôi anh Long đầu tư xây dựng 2 khu chuồng trại với diện tích hơn 300 m2 có thể làm nuôi nhốt 50 con trâu trở lên. Anh Long chia sẻ, gia đình mình hiện nay có 30 con trâu, ngoài mô hình nuôi trâu thương phẩm, mình còn đầu tư phát triển mô hình trồng cây ăn quả như bưởi, mít, mắc ca. Trừ chi phí mỗi năm gia đình thu về từ 700- 800 triệu đồng, kinh tế khá hơn, con cái được ăn học đầy đủ.
Năm 2020, thực hiện Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Lai Châu về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và thụ sản phẩm nông nghiệp, Công ty cổ phần Beefoods Lai Châu đã liên kết với huyện Tam Đường triển khai thực hiện mô hình trồng cây chanh leo với diện tích hơn 17 ha, trồng tại 6 xã, thị trấn của huyện Tam Đường với sản lượng khoảng 57,1 tấn và giá thu mua từ 4.000-23.000 đồng/kg. Công ty cung ứng toàn bộ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái, bảo quản và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Đến nay, cây chanh leo trên địa bàn huyện ngày càng được mở rộng với diện tích gần 37ha.
Những năm qua huyện Tam Đường đã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, trở thành động lực để người dân thay đổi phương thức sản xuất, mạnh dạn đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung. Cụ thể như các chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, người dân được hỗ trợ trồng cây mắc ca, chè, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi; chính sách phát triển rừng bền vững; phát triển cây dược liệu…
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường cho biết, để đảm bảo chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả, thời gian qua huyện Tam Đường đã tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng đúng mục đích các nguồn hỗ trợ của các chương trình, dự án, nhất là hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp.
Huyện cũng chỉ đạo Phòng Nông nghiệp huyện và các xã tổ chức họp dân, thông báo công khai các chính sách hỗ trợ, đối tượng được hỗ trợ, lựa chọn các hộ có điều kiện để đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ việc hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp không chỉ giảm bớt khó khăn cho nhiều hộ dân mà còn thay đổi nhận thức của bà con trong sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Sản xuất nông nghiệp của huyện Tam Đường đã có bước phát triển nổi bật, năm 2021 tổng diện tích gieo trồng cây lương thực đạt hơn 9.110 ha, sản lượng lương thực có hạt đạt 41.100 tấn, trồng mới gần 111 ha chè; tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt 6%/năm. Từ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, người dân ở huyện Tam Đường đã dần thay đổi tập quán canh tác, tập trung phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới của huyện.
Nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp nên lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Lai Châu có bước phát triển rõ nét. Giai đoạn 2004-2020 tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân đạt trên 22%; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2020 đạt trên 3.200 tỷ đồng, tăng 8,5 lần so với năm 2004; hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn như trên 8.500 ha chè, trên 13.000 ha cao su, hơn 5.000 ha mắc ca và 4.000 ha chuối... Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đẩy mạnh với hơn 100 sản phẩm OCOP.
Đặc biệt, năm 2021, mặc dù dịch bệnh COVID-19 xảy ra, tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội, nhưng với sự nỗ lực của tỉnh Lai Châu, các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội đạt được một số kết quả quan trọng. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 5,6%, tổng sản phẩm bình quân đầu người ước đạt 44,4 triệu đồng (tăng 1,2 triệu đồng so với năm 2020). Sản xuất nông nghiệp đảm bảo mùa vụ với sản lượng lương thực có hạt vượt 0,9% kế hoạch.
Đặc biệt, tỉnh tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Lai Châu năm 2021, với số vốn đầu tư dự kiến khoảng 25.000 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực trồng mắc ca khoảng 100.000 ha, trồng cây dược liệu khoảng 600 ha, trồng cây lâm nghiệp khoảng 2.000 ha; trồng dứa, chanh leo và các loại cây ăn quả khoảng 10.000 ha; nuôi 5.000 đàn ong, chăn nuôi lợn hữu cơ quy mô khoảng 10.000 con…
Để tiếp tục tạo động lực phát triển nông nghiệp, giai đoạn 2021-2025 tỉnh Lai Châu đã ban hành các nghị quyết, quyết định về quy định chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung; đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn; phát triển rừng bền vững; quy định chính sách hỗ trợ tài chính trong chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ và hoạt động khoa học, công nghệ; quy định chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Việc triển khai các nghị quyết, đề án, quyết định, hướng dẫn, kế hoạch của Trung ương và của tỉnh sẽ là tiền đề quan trọng để Lai Châu tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, tạo dựng các sản phẩm, thương hiệu từ nông nghiệp.