Dân góp hàng trăm triệu làm sân bóng ở thôn
Dẫn phóng viên tham quan khu thể thao thôn Đông, ông Nguyễn Đức Phụng, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ thôn Đông, xã Thanh Tùng cho biết: Từ tháng 8/2020 đến nay, sau khi khánh thành khu thể thao này, tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao của thôn đều được tổ chức tại đây. Nhờ có đèn cao áp thắp sáng, buổi tối, người dân vẫn tập luyện tốt sau những giờ lao động, học tập mỗi ngày.
Khoảng nửa năm về trước, khu vực này chỉ là bãi đất không, cỏ mọc um tùm, vì nơi đây vốn là một cái ao nên cốt đất trũng, vừa ẩm thấp, vừa mất vệ sinh môi trường. Tháng 4/2020, thôn đã quyết định cải tạo để có chỗ vui chơi cho thanh, thiếu niên, nguồn kinh phí xã hội hóa. Ông Nguyễn Đức Truy, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Đông cho biết: “Chủ trương đưa ra được sự đồng tình cao của cấp ủy chi bộ. Sau đó, cấp ủy chi bộ tổ chức hội nghị quân dân chính của thôn bàn về vấn đề này. Bà con trong thôn ai cũng ủng hộ nhiệt tình. Khi triển khai, rất mừng là công trình nhận được sự đồng hành của đông đảo con em quê hương và các doanh nghiệp”.
Ước tính có khoảng 100 cá nhân, tổ chức ủng hộ trên 300 triệu đồng. Từ kinh phí này, thôn thuê đơn vị thi công đổ cát tôn cao nền sân, xây tường rào, dựng cổng, làm cống bao quanh, lắp đèn cao áp. Sau khi hoàn thành, sân thể thao trở thành nơi giao lưu bóng đá cho giới trẻ trong và ngoài thôn.
Tương tự, mới đây, sân bóng thôn La Xá, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện được cải tạo hoàn toàn bằng kinh phí xã hội hóa. Anh Vũ Trọng Tiến, thành viên Hội Sản xuất kinh doanh và dịch vụ vận tải thôn La Xá, một trong những người tình nguyện, hăng hái đóng góp xây dựng sân bóng cho thôn cho biết, kinh phí để cải tạo sân ước tính khoảng 200 triệu đồng. Theo đó, anh đã phát động các thành viên trong Hội Sản xuất kinh doanh và dịch vụ vận tải thôn quyên góp để cải tạo lại sân bóng. Kết quả, các thành viên trong Hội quyên góp được khoảng 135 triệu. Ngoài ra, nhân dân cũng hưởng ứng, người góp công, người góp của.
“Sân bóng ở ngay phía trước đình làng. Vừa rồi, đình làng được quan tâm trùng tu, tôn tạo rất đẹp nhưng sân bóng trũng thấp không còn phù hợp với cảnh quan ngôi đình mới được tôn tạo. Là một người con của quê hương, với mong muốn góp chút công sức làm đẹp làng quê, tôi và anh em trong Hội đã bàn bạc, quyết định góp công, góp của để làm lại sân bóng vừa để cảnh quan quanh đình được khang trang, sạch đẹp, vừa để cho bà con có chỗ tập luyện thể dục thể thao, đảm bảo sức khỏe”, anh Tiến chia sẻ.
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từng bước hoàn thiện
Câu chuyện làm sân bóng ở thôn Đình Đông và La Xá chỉ là hai trong số rất nhiều dẫn chứng cho thấy những kết quả tích cực trong phong trào xã hội hóa xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại Hải Dương. Theo ông Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hải Dương, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Hải Dương đang từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tập luyện thể dục, thể thao của nhân dân. Hiện, cấp xã có 235 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; 30 thư viện; 215 sân vận động. Thôn, khu dân cư có 1.484 nhà văn hóa; 515 sân thể thao diện tích từ 1.000-2.000m2 theo tiêu chí nông thôn mới.
Bên cạnh nguồn kinh phí nhà nước, Ban Chỉ đạo “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp đã nỗ lực vận động nhân dân tham gia xây dựng các công trình văn hóa, thể thao. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã dành đất, kinh phí để xây dựng các thiết chế thể thao. Theo thống kê, tại Hải Dương, trong giai đoạn năm 2016-2020, kinh phí nhân dân đóng góp xây dựng thiết chế văn hóa đạt trên 430 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với giai đoạn năm 2006-2010.
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ngày càng hoàn thiện đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân trên địa bàn tỉnh. Phong trào thể dục thể thao quần chúng ở Hải Dương những năm qua cũng phát triển mạnh mẽ. Thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hải Dương cho thấy, tỷ lệ người tập luyện thường xuyên năm 2019 đạt 30% và tỷ lệ gia đình thể thao đạt 21%. Các môn thể thao phổ cập ngày càng rộng rãi như: bóng chuyền, bóng bàn, bóng đá, cầu lông, dân vũ, đạp xe, bơi lội… Nhiều điểm, nhóm câu lạc bộ thể dục thể thao được thành lập. Ước tính, năm 2020, toàn tỉnh có trên 2.600 điểm, nhóm câu lạc bộ thể dục thể thao.
Hải Dương đặt mục tiêu đến năm 2025, số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 36% trở lên, số gia đình thể thao đạt 26%; tất cả các thôn đều có sân thể thao. Để đạt được mục tiêu này, một trong những giải pháp được ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hải Dương xác định là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa xã hội từ tỉnh đến cơ sở, nhất là các thiết chế văn hóa, thể thao trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp…