Hòa Bình phấn đấu có sản phẩm OCOP 5 sao trong năm 2020

Ngày 20/8, tại huyện Mai châu (Hòa Bình), Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Hòa Bình về kết quả triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và triển khai các mô hình Trung ương chỉ đạo điểm.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cùng lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và huyện Mai Châu thăm điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá cao những kết quả tỉnh Hòa Bình đã đạt được trong thực hiện Chương trình OCOP;  mong muốn thời gian tới, tỉnh Hòa Bình tiếp tục nâng cao hiệu quả triển khai chương trình OCOP; phân bổ kinh phí để chuẩn hoá sản phẩm du lịch cộng đồng; tăng cường tuyên truyền quảng bá, tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm. Đặc biệt, tỉnh cần phấn đấu có sản phẩm OCOP 5 sao trong năm 2020. Đối với huyện Mai Châu, cần thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Đức Hinh đã tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Chương trình OCOP, nhất là trong công tác hoàn thiện hồ sơ các chủ thể còn lúng túng; nêu ra những vấn đề cần tháo gỡ và mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ quá trình triển khai Chương trình OCOP như: Xây dựng các trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại địa phương; sớm ban hành bộ tài liệu tập huấn chuẩn để các địa phương có cơ sở thực hiện đào tạo hiệu quả và sát nhu cầu thực tế; bổ sung thêm kinh phí thực hiện các mô hình điểm nhất là các điểm du lịch cộng đồng để hỗ trợ tỉnh Hòa Bình phát huy tiềm năng du lịch. 

Theo báo cáo của tỉnh Hòa Bình, năm 2019, toàn tỉnh có 27 sản phẩm của 21 chủ thể được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có 9 sản phẩm đạt 4 sao, 18 sản phẩm đạt 3 sao. Những sản phẩm sau khi được công nhận OCOP được người tiêu dùng đánh giá cao và các chủ thể ký được nhiều hợp đồng tiêu thụ lớn trên cả nước.

Năm 2020, tỉnh Hòa Bình phấn đấu có ít nhất 23 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Tổng kinh phí hỗ trợ chuẩn hóa sản phẩm OCOP gần 5 tỷ đồng. Hiện các huyện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình OCOP.

Nhân dịp này, Đoàn công tác đã tới thăm bản Nhót, xã Nà Phòn và bản Lác, xã Chiềng Châu. Đây là những bản du lịch cộng đồng của huyện Mai Châu (Hòa Bình) vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc Thái, thể hiện qua kiến trúc nhà ở, ẩm thực, văn hóa văn nghệ; người dân thân thiện, cởi mở và sống thân thiện với thiên nhiên.

Vũ Hà (TTXVN)
Phát triển sản phẩm OCOP gắn với giá trị của làng nghề truyền thống
Phát triển sản phẩm OCOP gắn với giá trị của làng nghề truyền thống

Với lợi thế có 1.350 làng nghề truyền thống và làng có nghề, Hà Nội rất tiềm năng để phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần nâng cao đời sống của người dân cũng như hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN