Hồi sinh sau “cơn đại hồng thủy”
Ngày cận Tết Tân Sửu, vùng “rốn lũ” Quảng Trị bao gồm những xã, phường thấp trũng của các huyện Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng và thành phố Đông Hà ngày nào còn hoang tàn tiêu điều, nay nhường chỗ cho những vườn hoa bung nở khoe sắc trong nắng ấm đầu Xuân. Những cánh đồng rau xanh mướt một màu tấp nập người bán, người mua để cung ứng cho thị trường Tết. Hàng nghìn hộ chăn nuôi lợn, gà, vịt cũng kịp bán lứa đầu tiên kể từ ngày xảy ra “cơn đại hồng thủy” để có thu nhập trang trải cho cái Tết đủ đầy hơn. Vùng “rốn lũ” ở Quảng Trị đang hồi sinh với khung cảnh thanh bình, sung túc trở lại sau cơn lũ lịch sử.
Hơn 6 giờ sáng, trên cánh đồng rau xanh ở xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tiếng nói cười của những nông dân vang vọng ra xa cả một vùng rộng lớn. Xã Triệu Long nằm ven lưu vực sông Thạch Hãn nên được xem là một trong những “rốn lũ” của tỉnh Quảng Trị. Còn nhớ những ngày tháng 10/2020, người dân Triệu Long xếp hàng dài nhận từng gói mì, cân gạo hay chai dầu ăn được cứu trợ khẩn cấp. Lúc bấy giờ trên khuôn mặt của mỗi người đều hiện ra vẻ thất thần đầy âu lo bởi lũ dữ đã cuốn phăng đi tất cả.
Bây giờ nét mặt của bà Nguyễn Thị Thật, 52 tuổi ở thôn Bích Lộc Tiêu, xã Triệu Long đã vui trở lại, sau những ngày lo toan về sinh kế khi lũ lụt đi qua. Bởi vụ Tết năm nay, vườn rau xanh hơn 1.500m2 với các loại rau: xà lách, cải ngọt, tăng ô, cải cay đều được mùa. Trong khi đó, 10 con lợn mỗi con có trọng lượng trên 70kg cũng kịp bán hết trong ngày cận Tết với giá 70.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Thật chia sẻ, lũ dữ hồi tháng 10 năm ngoái cuốn trôi hết đàn lợn, rau màu cũng bị mất trắng. Ngay sau khi lũ rút, gia đình tập trung trồng các loại rau màu ngắn ngày để sớm có thu nhập và vay mượn tiền để mua lợn giống về nuôi. Tết này, rau màu được mùa, lợn cũng kịp được giá cao nên gia đình có tiền lo cho cái Tết đủ đầy như những năm trước.
Những hộ sản xuất hoa vụ Tết ở vùng “rốn lũ” cũng kịp có thu nhập. Phường Đông Giang, thành phố Đông Hà có làng An Lạc nằm bên bờ sông Hiếu nổi tiếng với nghề trồng hoa. “Cơn đại hồng thủy” hồi tháng 10/2020 đã nhấn chìm hầu hết số hoa, cảnh ở làng hoa này.
Ông Lê Châu Hoàng, 50 tuổi ở làng hoa An Lạc, phường Đông Giang cho biết, sau khi lứa hoa Tết đầu tiên bị lũ lụt cuốn trôi, người dân bắt tay ngay vào tái sản xuất với việc trồng các loại hoa ngắn ngày. Trong quá trình khôi phục vụ hoa Tết, người dân còn gặp thêm khó khăn do có 3 - 4 đợt rét đậm rét hại. Nhưng với nỗ lực không ngừng nghỉ, Tết này hầu hết số hộ trong làng An Lạc đều có hoa để bán. Giá hoa Tết năm nay cao hơn so với những năm trước nên người dân cũng có thu nhập khá. Mỗi cặp chậu hoa cúc vàng loại vừa bán được khoảng 1 triệu đồng, loại lớn từ 1,5 - 2 triệu đồng; cặp chậu hoa thược dược, vạn thọ cũng bán được từ 500.000 - 600.000 đồng.
Khi lũ dữ tràn về, những hộ làm nghề chăn nuôi lợn, gà, vịt ở vùng “rốn lũ” Quảng Trị cũng bị mất trắng. Theo thống kê, vùng thấp trũng ở Quảng Trị có khoảng 1 triệu con gia cầm bị lũ cuốn trôi. Ngay trong và sau lũ, người dân nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ nhà nước và những nhà hảo tâm. Đây là nguồn lực rất lớn để bà con vùng lũ gượng dậy khôi phục sản xuất cho kịp vụ Tết.
Ông Lê Văn Hàn, xã Hải Định, huyện Hải Lăng nhớ lại, lũ lớn tràn về rất nhanh khiến cả 5 người trong gia đình bị mắc kẹt trong nhà, rất may các chiến sỹ biên phòng kịp thời đến cứu hộ và di dời đến nhà tránh lũ. Tài sản mất hết nhưng giữ được tính mạng là may mắn lắm rồi. Đến Tết Tân Sửu là khoảng hơn 3 tháng bà con nỗ lực khôi phục chăn nuôi sau lũ lụt lịch sử. Nhiều hộ đã có thu nhập từ lứa lợn, gà, vịt đầu tiên kể từ khi xảy ra “cơn đại hồng thủy”. Gia đình cũng có đàn vịt 100 con và bán hết trước 23 tháng Chạp. Còn đàn gà 50 con đã bán gần hết, chỉ để lại 5 con ăn Tết.
Những ngày cận Tết Tân Sửu 2021, khắp các thôn, xóm ở vùng “rốn lũ” Quảng Trị tổ chức “đụng lợn” - nhiều hộ cùng làm thịt một con lợn rồi chia phần đều nhau rồi cùng nhau gói bánh chưng, bánh tét. Đón Tết sau khi trải qua “cơn đại hồng thủy” chưa lâu, nhưng người dân vùng “rốn lũ” vẫn đủ đầy về vật chất, tình đoàn kết xóm làng càng thêm bền chặt sau thiên tai. Bởi vậy trong bữa cơm tất niên đầm ấm ngày cuối năm, người dân vùng “rốn lũ” Quảng Trị vẫn thường nhắc đến câu ca: Chớ than phận khó ai ơi/Còn da lông mọc còn chồi nảy cây, như để nhắc nhở nhau về sự nỗ lực, lạc quan cùng vươn lên trong hoạn nạn.
Tiếp sức cho người dân vùng lũ
Tỉnh Quảng Trị hiện có khoảng 70% số dân sinh sống ở vùng nông thôn; trong đó tập trung đông nhất là ở vùng đồng bằng thấp trũng. Lũ lụt lịch sử hồi tháng 10/2020 ở Quảng Trị đã gây thiệt hại 4.250 tỷ đồng; trong đó có đến 3.000 tỷ đồng thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ngay sau lũ lụt, tỉnh khẩn trương thực hiện những giải pháp gồm: Đảm bảo nguồn giống để sớm khôi phục sản xuất; cải tạo đồng ruộng, khôi phục mặt bằng sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trên diện tích đất bị bồi lấp; sửa chữa hệ thống kênh mương thủy lợi; đảm bảo cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân ở các vùng bị thiệt hại do bão lũ; sửa chữa hạ tầng nghề nuôi trồng thủy sản. Về lâu dài tỉnh huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn để vừa khắc phục hậu quả bão lũ, vừa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển nông nghiệp bền vững.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị Đào Mạnh Hùng cho biết, đơn vị đã giải ngân hơn 60 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của các đơn vị và cá nhân hỗ trợ để giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai; trong đó dành hơn 21 tỷ đồng để hỗ trợ khẩn cấp cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt; còn lại 39 tỷ đồng hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp, xây dựng công trình dân sinh để sớm ổn định cuộc sống người dân sau lũ lụt.
Ngay sau lũ lụt, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp không thu tiền hỗ trợ cho tỉnh Quảng Trị 1.000 tấn lúa giống, 80 tấn hạt giống ngô và 10 tấn hạt giống rau. Trung ương và các chương trình, dự án cũng đã cấp gần 500.000 con giống gia cầm nuôi thịt, để hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do lũ lụt. Đồng thời hỗ trợ tỉnh 30.000 lít hóa chất để xử lý môi trường chăn nuôi, 105 tấn chlorine 65% để xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản.
Sự hỗ trợ kịp thời của nhà nước đã giúp người dân vùng “rốn lũ” Quảng Trị kịp thời sản xuất vụ Đông Xuân 2020 - 2021. Là một trong số hàng nghìn hộ được nhà nước hỗ trợ lúa giống để gieo sạ 5 sào ruộng (1 sào 500m2), ông Võ Văn Hiếu, xã Thanh An, huyện Cam Lộ chia sẻ, lũ lớn quá nên cuốn trôi hết lúa giống và tài sản cất trữ trong nhà. Sau lũ, nhà nước đã kịp thời hỗ trợ lúa giống nên gia đình gieo sạ vụ Đông Xuân đúng lịch thời vụ vào đầu tháng Chạp. Bây giờ thấy lúa đã xanh tốt nên cũng yên tâm ăn Tết.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn sau lũ lụt, nhưng tỉnh Quảng Trị vẫn bố trí 128 tỷ đồng để khôi phục khẩn cấp sản xuất nông nghiệp sau lũ lụt; trong đó tập trung hỗ trợ nông dân giống cây trồng, vật nuôi, cải tạo mặt bằng đồng ruộng, tái đàn lợn, khắc phục các hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất vụ nông nghiệp.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị Hồ Xuân Hòe cho biết, ngoài hỗ trợ về cây, con giống Trung ương còn hỗ trợ nông dân hàng trăm tỷ đồng để khôi phục sản xuất. Hiện nay, tỉnh vẫn tiếp tục quan tâm hỗ trợ người dân bị thiệt hại bởi lũ lụt như: Cải tạo đồng ruộng, cấp giống cây trồng vật nuôi, đầu tư sửa chữa hệ thống nước sinh hoạt…