Tham gia hội thảo có hơn 200 đại biểu là các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học, nghiên cứu về quy hoạch, cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Kon Tum và thành phố Đà Nẵng, cùng chuyên gia kiều bào; chuyên gia trong nước; đại diện các hội, hiệp hội trên địa bàn tỉnh, các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, đây là hội thảo rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Quảng Nam trong chặng đường sắp tới. Các đại biểu tham dự hội thảo có thể đóng góp cho đồ án quy hoạch theo 2 hướng. Đó là từ nội dung dự thảo đồ án quy hoạch thấy bộc lộ ưu, nhược điểm gì. Bên cạnh đó, đại biểu có thể hiến kế, đề xuất những đột phá mới ngoài nội dung đã chuẩn bị. Dự kiến đến cuối năm 2022, tỉnh Quảng Nam sẽ trình Thủ tướng Chính phủ đồ án quy hoạch hoàn chỉnh, trước khi trình sẽ có hội thảo cuối kỳ và dự kiến trong quý I/2023 sẽ có đồ án quy hoạch tỉnh Quảng Nam.
Chủ tịch Lê Trí Thanh cho rằng, sự phát triển của địa phương không đơn lẻ mà cần có sự kết nối liên vùng nên phải thay đổi, phải tạo ra sự khác biệt. Sự khác biệt vẫn dựa trên nền tảng kế thừa, nhưng bổ sung, hoàn chỉnh, phù hợp với đà phát triển hiện tại.
"Quy hoạch lần này sẽ không là những phép cộng đơn thuần hay mảnh ghép của các lãnh thổ, thể hiện “đột phá, khác biệt, toàn diện, bền vững”, không na ná các tỉnh, thành phố khác; quan trọng là tầm nhìn, phải chất lượng, thu hút các nhà đầu tư mạnh, thương hiệu lớn, đem lại giá trị đầu tư cao hơn trong tương lai", ông Thanh nhấn mạnh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ, quy hoạch tỉnh lần này sẽ thay đổi chân dung Quảng Nam, do đó cần xác định rõ tổ hợp thực lực của Quảng Nam, trên cơ sở đánh giá thực trạng phải nhận diện thực lực của Quảng Nam đang đứng ở đâu, từ đó xác định giá trị cốt lõi trong tương lai của Quảng Nam là gì?
Theo ông Trần Đình Thiên, với năng lực, dư địa của mình, Quảng Nam phải đặt tầm nhìn trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế. Hiện tầm nhìn này còn khá mờ nhạt, chưa tương xứng với tiềm năng và cần xác định càng “mở” thì càng có lợi thế.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, tỉnh Quảng Nam có "vốn xã hội" rất lớn, đây có thể là một yếu tố tạo ra sự khác biệt. Chúng ta có khát vọng rất lớn trong việc phát triển Quảng Nam là đúng, nhưng cũng cần có khát vọng theo cách riêng của Quảng Nam. Lối mở có thể nghiên cứu là trở thành một hình mẫu về phát triển xanh. Ở đó, giá trị bản sắc là quan trọng nhất với “vốn xã hội” dồi dào, tích lũy theo tiến trình phát triển của đất và người xứ Quảng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: Tạo thực lực phát triển từ văn hóa, tinh thần Quảng Nam, chủ trương phát triển, tăng trưởng xanh, đột phá trong đổi mới sáng tạo, năng suất lao động ở một số lĩnh vực, ngành nghề rất cao. Tuy nhiên, điều băn khoăn là ở lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, cần có giải pháp thiết thực, cụ thể như năng suất xanh dựa vào cơ cấu của nền sản xuất, tiêu dùng bền vững. Do vậy, Quảng Nam cần "mổ xẻ" về nguồn lực tăng trưởng xanh, coi trọng đúng mức nguồn lực phi kinh tế, trong đó có yếu tố cốt lõi là văn hóa. Khi nguồn lực này được khơi dậy sẽ kích thích sự cống hiến, đóng góp của con người, nhất là con người bản địa. Nên có một câu sologan ấn tượng về Quảng Nam, đại khái có thể là “tăng trưởng xanh, đột phá sáng tạo, vùng đất giàu giá trị văn hóa”….
Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các nhà khoa học và chuyên gia cho rằng Quảng Nam cần quy hoạch đồng bộ các giải pháp nhằm tập trung cho năng lượng sạch và môi trường xanh, đồng thời phân tích một số nội dung như: Đánh giá thực trạng phát triển, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù; xây dựng kịch bản, mục tiêu, xác định các khâu đột phá và nhiệm vụ trọng tâm; phương án phát triển các ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ, thương mại, nông, lâm, ngư nghiệp; phương án phát triển không gian; lãnh thổ, vùng liên huyện, trục kinh tế động lực, vùng khó khăn, hệ thống đô thị, tổ chức lãnh thổ nông thôn và nhà ở.
Phương án phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông, logistics, cấp điện, thông tin truyền thông và chuyển đổi số, cấp thoát nước, thủy lợi, xử lý chất thải rắn; phương án phát triển hạ tầng xã hội, văn hóa, thể thao, giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, hạ tầng an sinh xã hội; bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng chống thiên tai và ứng phó với biển đổi khí hậu, khai thác và sử dụng tài nguyên...
Quảng Nam là tỉnh thuộc vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, lân cận các trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn là thành phố Đà Nẵng, Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) cũng là một lợi thế cho tỉnh về hạ tầng liên vùng, phát triển nguồn nhân lực và phát triển dịch vụ.
Quảng Nam đã huy động được quy mô khá lớn vốn đầu tư phát triển, vốn đầu tư tư nhân và vốn FDI giữ vai trò chủ đạo. Quy mô vốn đầu tư phát triển của Quảng Nam khá lớn, đạt 217 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 10 tỉ USD trong giai đoạn 2011-2020. Năm 2019, tổng mức đầu tư đạt hơn 33 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 2,88 lần so với năm 2010. Năm 2020, huy động vốn đầu tư phát triển khó khăn hơn, chỉ đạt hơn 28,7 nghìn tỷ đồng. Tính chung trong giai đoạn 2011-2020, vốn đầu tư phát triển tăng bình quân 12,5%/năm...